Phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn ở VQG Cúc Phương

Đại diện một công ty lữ hành cho biết những năm gần đây, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá rất phát triển nên Cúc Phương cần quan tâm nhiều hơn đến trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ an toàn du khách.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn ở VQG Cúc Phương ảnh 1Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 3/3, Hội thảo "Du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương" được tổ chức nhằm phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà quản lý du lịch, nhà nghiên cứu, đại diện chính quyền địa phương các xã vùng đệm, nhiều công ty lữ hành lớn trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn có diện tích 22.408ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Vườn có hệ giá trị đa dạng sinh học quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, hệ động vật Cúc Phương rất phong phú và độc đáo.

Cúc Phương còn là bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển của khu rừng, Cúc Phương từ lâu đã dần hình thành, xây dựng và vận hành thành công mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, khai thác du lịch sinh thái nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên.

[Chung tay gìn giữ và phát huy giá trị Vườn quốc gia Cúc Phương] 

Đây là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường, được Quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á liên tiếp từ năm 2019-2022.

Với sự đa dạng về hệ động, thực vật cùng bề dày của công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn. Để vận hành, khai thác tốt hơn loại hình du lịch này, đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết vẫn còn nhiều việc phải hoàn thiện.

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, thảo luận mặt tích cực, những điểm còn hạn chế trong phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh phát triển du lịch cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách, tránh làm ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của hệ động, thực vật tại Vườn. Mặt khác, người dân khu vực vùng đệm cần được đào tạo kỹ năng cơ bản để làm dịch vụ, du lịch....

Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng cần tránh tình trạng bày bán công khai các loại thịt được quảng cáo là thịt thú rừng, đặc biệt là khu vực vùng đệm, khu vực giáp ranh với Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Đại diện một công ty lữ hành cho biết những năm gần đây, loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá rất phát triển. Do đó, Cúc Phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ an toàn tại chỗ cho du khách khi tham gia loại hình du lịch này.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn ở VQG Cúc Phương ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho rằng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm cần nâng cao nhận thức cho học sinh vùng đệm gắn liền với công tác bảo tồn động vật hoang dã. Đơn giản như việc thông qua học sinh có thể chuyển tải thông điệp "không ăn, không săn, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc trực tiếp từ tự nhiên."

Mặt khác, Vườn cần điều chỉnh và thống nhất chương trình, bảng giá dịch vụ, quy định thực hiện; xây dựng đội ngũ hướng dẫn đảm bảo để thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm; thúc đẩy sự tham gia học sinh từ các khu vực thành phố, khu vực khác...

Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, tour du lịch gắn với cứu hộ, bảo tồn động thực vật hoang dã, quý hiếm như "Về nhà," thăm động người xưa, các cây cổ thụ, xem chim, xem thú đêm, chinh phục đỉnh cao Mây Bạc - “nóc nhà Cúc Phương," hành trình xuyên rừng ngủ bản, chương trình trồng cây "Thêm xanh cho cánh rừng già"...

Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết ý kiến thu được tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để tới đây Vườn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và áp dụng linh hoạt vào hoạt động du lịch sinh thái, gắn với cứu hộ, bảo tồn là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Vườn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục