Phát triển du lịch nông thôn: Phải "trao quyền" cho người nông dân

Muốn phát triển bền vững du lịch nông thôn, cơ quan chức năng cần trao quyền cho người nông dân, để họ làm chủ các sản phẩm của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Trải nghiệm cảnh quan nông thôn, đời sống văn hóa bản địa là lựa chọn của đông đảo du khách ngày nay. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Các sản phẩm du lịch nông thôn phản ánh nét bình dị, lam lũ của người nông dân thường được du khách yêu thích và muốn trải nghiệm. “Đây chính là chiều sâu văn hóa.” Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ nhận định như vậy tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) vừa diễn ra tại Quảng Nam.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam với 70% dân số ở khu vực nông thôn, được xác định là vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch. Bởi du khách muốn được trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của đời sống, con người bản địa thân thiện và mến khách. Nhưng để du lịch nông thôn có thể “cất cánh,” Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Học kinh nghiệm từ “hàng xóm”

Việt Nam hiện có nhiều địa phương khai thác tốt thế mạnh điểm đến nông thôn đa dạng, hấp dẫn, trong đó có nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Đặc biệt, làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên), Trà Quế (Quảng Nam) được UN Tourism vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất.

Mặc dù Việt Nam đã xây dựng thành công sản phẩm du lịch nông thôn ở một số nơi, với các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái, làng nghề truyền thống và ẩm thực, song muốn tiếp tục phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, gìn giữ bản sắc từng làng, từ đó xây dựng sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối các làng và thông qua công cụ này để quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến. “Chỉ có con đường bằng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên nghiệp hơn chứ không phải làm tự phát như vừa qua,” Bộ trưởng ông Hùng nhấn mạnh.

Du lịch nông thôn ở một số nơi, với các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái được nhiều du khách ưa thích. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ông I Wayan Budiarta, trưởng làng Penglipuran (Làng Du lịch tốt nhất thế giới của Indonesia năm 2023) cho rằng để có thu nhập từ du lịch nông thôn là một câu hỏi khó, cần sự hợp tác của cộng đồng. Mỗi đứa trẻ đi học ở Penglipuran đều được giáo dục về truyền thống văn hóa; công dân đủ 18 tuổi được tham gia vào các tổ chức riêng của làng. Khi lập gia đình, mỗi người dân Penglipuran được định hướng công việc phù hợp với khả năng, giỏi đan lát sẽ đan lát, thêu giỏi thì thêu thùa.

Được biết, chính phủ Indonesia hỗ trợ quảng bá du lịch nông thôn bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu mỗi làng với sự tham gia của nhiều cơ quan. Đến nay, đã có khoảng 6.000 trong số 18.000 làng đăng ký cung cấp dữ liệu cho du khách.

“Giới trẻ thích tìm về các làng quê du lịch,” đại diện Bộ Du lịch Indonesia Ali Nurman nói về du lịch nông thôn nước này. Penglipuran ở Bali giờ đây đã rũ bỏ hình ảnh một ngôi làng hẻo lánh để thu hút vài nghìn du khách mỗi ngày.

Sớm hoàn thiện cơ chế để du lịch nông thôn "cất cánh"

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh cho rằng muốn phát triển bền vững du lịch nông thôn cần thực sự trao quyền cho người nông dân, để họ làm chủ các sản phẩm.

Theo ông Lanh, “trao quyền” ở đây bao hàm ba vấn đề.

Một là, phát triển du lịch nông thôn phải gắn với hoạt động sản xuất, canh tác của bà con nông dân. Qua đó, du khách được trải nghiệm chính đời sống sinh hoạt và sản xuất của người nông dân, đặc biệt là cơ hội tiêu thụ nông sản địa phương.

Du khách có cơ hội tiêu thụ nông sản địa phương. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Hai là, giá trị gia tăng của du lịch canh nông chỉ có được khi hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với không gian cộng đồng bản địa, gắn với tập tục, nghi lễ văn hóa của cộng đồng ấy. Cũng nhờ yếu tố này mà điểm đến di sản tại Hội An và nhiều tỉnh miền Trung thu hút, hấp dẫn du khách.

Cuối cùng, phát triển du lịch nông thôn phải đồng hành với cơ hội cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân. Điều này có được từ cơ chế, chính sách của nhà quản lý, chính quyền và các ban ngành chuyên môn để hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá hiện nay, nhu cầu của du khách ngày càng tăng với đòi hỏi sản phẩm ngày càng phải tinh hơn, giữ được giá trị văn hóa cốt lõi. “Bài toán ở đây là phải giữ được văn hóa. Chỉ khi yêu làng mới yêu nước, yêu Tổ quốc. Chỉ khi làng giàu lên thì đất nước mới giàu lên,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu Chính phủ sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Từ đó, huy động được nhiều nguồn lực nhất, đầu tư phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước đóng vai trò đầu tư công, dẫn dắt, còn vấn về quan trọng là đầu tư từ các doanh nghiệp.

Du khách hòa mình với hoàng hôn rực rỡ sau một ngày trải nghiệm đời sống cùng các ngư dân. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trên cơ sở phát triển du lịch nông nghiệp, lãnh đạo ngành khẳng định sẽ tập trung làm mới hơn, đặc sắc hơn nữa, tiêu biểu hơn nữa các sản phẩm du lịch. Đồng thời, chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để kết nối các làng và thông qua công cụ này quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến du lịch Việt Nam; tập trung đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ, bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn phải trở thành một xu hướng tất yếu, xu hướng phát triển mang lại giá trị cốt lõi cho cộng đồng, cho người dân mà mỗi quốc gia đều cần đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục