Phát triển du lịch bền vững giờ đây đã trở thành mục tiêu không chỉ có tính cấp thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, bản sắc và nguồn lực chính là yếu tố cốt lõi, góp phần tạo sự khác biệt và hấp dẫn cho điểm đến, đồng thời giúp bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên.
Song, thực tế bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt việc gìn giữ bản sắc văn hóa là những thách thức lớn mà ngành du lịch đang phải đối diện.
Những ảnh hưởng từ “ngành kinh tế mũi nhọn”
Theo các chuyên gia, xây dựng và phát triển bản sắc du lịch không chỉ đòi hỏi sáng tạo trong khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên đặc sắc của mỗi vùng miền mà cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ quốc tế, kết hợp nghiên cứu kỹ đặc thù của Việt Nam.
Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cho rằng: “Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững.”
Bởi việc làm này vừa giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên vừa cải thiện chất lượng cuộc sống của chính cộng đồng dân cư bản địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Mặc dù du lịch được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và phát triển cộng đồng, nhưng các chuyên gia đánh giá việc tập trung quá mức vào tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến nhiều tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội, gây ra ô nhiễm, sự gia tăng xây dựng không kiểm soát, suy thoái tài nguyên, quản lý môi trường và tài nguyên yếu kém, cũng như thiếu đồng đều trong chất lượng dịch vụ du lịch.
Đáng chú ý, thương mại hóa các giá trị văn hóa địa phương và tệ nạn xã hội gia tăng đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững. Nhìn vào hiện trạng này, Phó Giáo sư John Hutnyk (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng du lịch di sản cần được đánh giá trong mối liên hệ với tính bền vững về môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội.
Theo Phó Giáo sư John Hutnyk, hai nghiên cứu điển hình từ Ấn Độ (Serampore) và Việt Nam (Côn Đảo) cho thấy di sản có thể chuyển thành du lịch với những kết quả khác nhau, nhưng cần đặc biệt lưu tâm đến yếu tố địa phương và nhu cầu lao động…
Các yếu tố như lao động chính thức và không chính thức, cơ sở hạ tầng và quy hoạch có thể giúp đánh giá tính bền vững không chỉ của ngành du lịch mà còn của cộng đồng địa phương.
Kiến tạo bản sắc từ chủ thể của du lịch
Là một quốc gia có rất nhiều lễ hội trong năm, các chuyên gia nhận định rằng lễ hội sẽ tạo ra những trải nghiệm độc đáo, góp phần vừa thu hút du khách vừa phát triển du lịch. Khi lễ hội đồng hành với du lịch sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp không khói, bảo tồn và làm mới những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức sống bền bỉ cho các lễ hội dân gian và đóng góp vào lộ trình bền vững của du lịch Việt.
Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch thực sự bền vững và có bản sắc riêng, theo các chuyên gia cần sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, không chỉ lễ hội, nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống mà còn là phong tục tập quán, không gian văn hóa, không gian sống…
Trao cơ hội cho cộng đồng trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch là một trong những cách mang đến hiệu quả mà một số địa phương đã áp dụng thành công thời gian qua ở khu vực Sapa (Lào Cai), Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn (Hà Giang), Tân Hóa (Quảng Bình), Mộc Châu (Sơn La)… Song, không phải địa phương nào cũng sẵn điều kiện để vận hành được trơn tru như các điểm đến này.
Bởi hạn chế lớn nhất của người dân bản địa khi tham gia vào hoạt động du lịch là tính chuyên nghiệp khi cung ứng dịch vụ và thiếu vốn cho đầu tư cơ sở vật chất. Do đó, tại các điểm đến, cơ quan quản lý cần hỗ trợ khắc phục giúp các doanh nghiệp nhỏ hay bà con làm homestay, du lịch cộng đồng cải thiện hạ tầng giao thông du lịch, xử lý chất thải và nước sạch…
Tiến sỹ Lawson Veronica Janet Lesley đến từ Chương trình Tình nguyện viên Australia - Việt Nam cho rằng đối với du lịch bền vững ở Việt Nam, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, toàn ngành cần thực hành du lịch có trách nhiệm, áp dụng công nghệ hiệu quả và tham gia vào các chương trình bù đắp năng lượng…
Theo Tiến sỹ Lawson, các nghiên cứu chỉ ra rằng, phát triển du lịch bền vững không chỉ là quản lý tài nguyên môi trường mà còn là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
Vì thế, để xây dựng môi trường văn hóa trong du lịch cần đánh giá toàn diện cả môi trường tự nhiên-văn hóa, tập trung vào sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý và bảo tồn. Bởi chính cộng đồng mới là chủ thể bảo vệ và phát triển môi trường sống, góp phần vào bảo tồn và kiến tạo bản sắc cho sự phát triển của du lịch bền vững./.