Sáng 5/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị những người viết lý luận phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía Bắc, nhằm tập hợp lực lượng, đánh giá đúng thực trạng, tìm ra giải pháp phát triển đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Hội nghị nhận định, thời gian qua, trong văn học, nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng, lớp trẻ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình trẻ với những khả năng sáng tạo, sự đa dạng về phong cách; ý thức tìm tòi, thể hiện một số khuynh hướng phê bình hiện đại của lý thuyết văn nghệ thế giới để vận dụng vào nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học, nghệ thuật trong nước, là dấu hiệu mới, rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình hiện nay đang thiếu và yếu. Chất lượng hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của lực lượng những người viết trẻ cũng còn nhiều bất cập cả từ góc độ khoa học, tầm hiểu biết thực tiễn cuộc sống đất nước và đời sống văn nghệ nước nhà.
Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ hiện nay bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, ngại va chạm, chưa thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng “bề bộn;" chủ yếu chú trọng loại hình phê bình báo chí, vì vậy tính chuyên nghiệp của phê bình dần dần bị lấn át… Đáng lo ngại là một số cây bút lý luận, phê bình trẻ đang có những biểu hiện xa rời chuẩn mực, dẫn đến quan điểm lệch lạc trong nhìn nhận, đánh giá một số vấn đề của đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, đánh giá một số sự kiện, tác phẩm, tác giả nói riêng.
Công tác đào tạo ngành lý luận, phê bình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, không phát huy được vai trò tạo dựng đội ngũ kế cận, khó có thể đào tạo được những người (sau khi ra trường) làm tốt công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trong nhiều năm qua, việc tuyển sinh ở một số trường văn hóa nghệ thuật gặp nhiều khó khăn, hàng năm, mỗi ngành chỉ có 5-10 hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí có những ngành nhiều năm không tuyển được sinh viên. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp không thể tìm được việc làm theo đúng chuyên môn được đào tạo…
Khẳng định vai trò của tài năng lý luận, phê bình, đặc biệt là đội ngũ những người viết trẻ và lực lượng kế cận trong đời sống văn học, nghệ thuật là đặc biệt quan trọng, nhiều đại biểu cho rằng để tăng cường đội ngũ này cần có kế hoạch, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện về môi trường làm việc thuận lợi để phát triển, phát huy đội ngũ, tài năng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Từ góc độ lãnh đạo, quản lý, các cơ quan chức năng cần có bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ; tạo diễn đàn riêng cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp thực tiễn; huy động nguồn lực đầu tư có hiệu quả cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ. Các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ cần nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp, tự học tập, rèn luyện cả vốn sống, vốn văn hóa, hun đúc khát vọng sáng tạo, bản lĩnh, trách nhiệm trong tự do sáng tạo.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật cần được phát huy, để tập hợp, bồi dưỡng định hướng và tạo diễn đàn cho lực lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; kiến nghị Nhà nước sớm ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ sáng tạo, tôn vinh các cây bút trẻ lý luận, phê bình…/.