Phát triển đội ngũ giảng viên nông dân tại các địa phương

30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng thành công mô hình “Nông dân dạy nông dân” nhằm chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Lớp “Nghề kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho trâu, bò, dê” tại xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hội thảo mô hình “Nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều 12/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng thành công mô hình “Nông dân dạy nông dân.”

Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường trong và ngoài nước.

Hội thảo mô hình “Nông dân dạy nông dân” có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình tại các địa phương, từ đó đề xuất những giải pháp để mô hình “Nông dân dạy nông dân” đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.

Thực tế cho thấy nhiều mô hình “Nông dân dạy nông dân” được đánh giá rất hiệu quả trong việc đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hội Nông dân ở nhiều tỉnh đã đào tạo được đội ngũ giảng viên nông dân có tay nghề và có chứng chỉ sư phạm, trực tiếp ký các hợp đồng đào tạo cho nông dân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã và đang phát huy được hiệu quả phần lớn là do giữa giảng viên và người học không cảm thấy có khoảng cách, thậm chí họ còn tìm được tiếng nói chung trong quá trình dạy và học.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc và áp dụng thực hành ngay vào quá trình sản xuất tại nhà đã giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian.

Những giảng viên nông dân thường xuất phát từ một người nông dân giỏi, đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế trong gia đình và có uy tín với cộng đồng.

Là người địa phương, các giảng viên nông dân am hiểu phong tục tập quán, có thể truyền đạt cho bà con bằng tiếng của dân tộc họ, cộng với lòng nhiệt tình, trong thời gian qua, mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã phát huy được hiệu quả rất thiết thực.

Tuy nhiên, mô hình “Nông dân dạt nông dân” ở Việt Nam chưa được phổ biến và nhân rộng trên khắp địa bàn nông thôn, công tác đào tạo giảng viên là nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu sự quan tâm, chỉ đạo và phối giữa các ngành, các cấp.

Các giảng viên nông dân dày dạn về kinh nghiệm nhưng lại không có bằng cấp chuyên môn, kỹ thuật. Chính vì vậy, các giảng viên nông dân chỉ có thể làm tốt công tác giảng dạy ở địa phương mình, khi sang địa phương khác sẽ gặp khó khăn do không nhận được sự tin tưởng của người dân.

Theo các nhà khoa học, những mặt hạn chế của các lớp học theo mô hình “Nông dân dạy nông dân” như thiếu kinh phí, thiết bị, công cụ hỗ trợ, khả năng thu thập tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy hạn chế… cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển đội ngũ giảng viên nông dân.

Với mục tiêu của 5 năm tới sẽ dạy nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, việc phát triển đội ngũ giảng viên nông dân càng trở nên cần thiết.

Để nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân” phát huy hiệu quả trên cả nước, các nhà khoa học cho rằng trước mắt cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành cấp kinh phí để mở thêm nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ sư phạm cho các giảng viên nông dân vì họ chỉ có nhiều kinh nghiệm thực tế chứ không có kỹ năng thuyết trình.

Trong thời gian tới,các cấp hội cần tổ chức nhiều hơn các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm truyền bá kiến thức nông nghiệp của các giảng viên nông dân giúp bà con cách làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm nghèo và phát triển nông thôn mới một cách bền vững./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục