Phát triển doanh nghiệp kinh doanh bền vững trong kỷ nguyên kết nối

Khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta không chỉ nói về tăng trưởng kinh tế mà còn đề cập đến phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với sự tham gia của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN)

Trong hai ngày 5-6/11, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Kinh doanh lần thứ 3 năm 2019 (International Conference on Business-ICB 2019) với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp bền vững trong kỷ nguyên kết nối).

Hội thảo thu hút gần 100 nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế và trong nước uy tín đến từ Đức, Pháp, Bỉ, Italy, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, Hội Doanh nhân nữ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWEE)…

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiện nay, khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta không chỉ nói về tăng trưởng kinh tế mà còn đề cập đến phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, để phát triển bền vững không chỉ có cơ quan nhà nước mà phải có dự tham gia của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân, người tiêu dùng.

Do đó, Hội thảo tập trung thảo luận, giới thiệu các nghiên cứu thúc đẩy doanh nghiệp, công ty ý thức được rằng về kinh doanh bền vững, lãnh đạo doanh nghiệp phải có ý thức về phát triển bền vững, đồng thời định hướng cho người tiêu dùng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Florian J. Beranek, Chuyên gia trưởng về trách nhiệm xã hội của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng, chỉ những người tiêu dùng được trao quyền hợp pháp mới là nhân tố thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của cả doanh nghiệp và Chính phủ.

Điều này nói rằng, mục tiêu thường được ca ngợi và chắc chắn quan trọng của phát triển thị trường trong nước cũng đòi hỏi phải thiết lập một cơ chế kiểm soát theo hướng tiêu dùng, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững trong tất cả doanh nghiệp cũng như Chính phủ có mục tiêu phát triển bền vững (SDG) một cách hiệu quả.

[Thiếu nhân sự trình độ cao, doanh nghiệp Nhà nước khó tiếp cận 4.0]

Đề cập đến vấn đề marketing trong nền tảng hệ sinh thái hiện nay, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Viết Liêm, Trường Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ về sự gia tăng của các hệ sinh thái nền tảng đã thay đổi sự cạnh tranh, xác định thị trường mới, kết nối một mạng lưới người tiêu dùng, nhà cung cấp, đồng thời tạo ra một loạt doanh nhân khởi nghiệp mới.

Phát triển doanh nghiệp kinh doanh bền vững trong kỷ nguyên kết nối ảnh 1Ông Florian J. Beranek, Chuyên gia Trưởng về CSR/RBC, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN)

Trên cơ sở đó, tập trung vào cách tiếp thị cho phép các doanh nhân khởi nghiệp tạo ra và đưa ý tưởng kinh doanh mới vào cuộc sống, mở rộng quy mô kinh doanh.

Nhấn mạnh yếu tố quản lý thương hiệu mới, giáo sư Carsten Baugmath, Trường Kinh tế & Luật (Đức), cho rằng thương hiệu là một trong những tài sản quý giá nhất của các công ty, thành phố, trường đại học.

Trước đây, việc quản lý thương hiệu dựa trên một số luật thương hiệu đơn giản. Tuy nhiên, các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học truyền thông (Social Media), robotics… cũng như việc gia tăng sự cạnh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nhân viên… đã tạo ra các thách thức trong quản lý thương hiệu.

Từ thực tế này, giáo sư Carsten Baugmath đã nêu ra các vấn đề hiện tại về quản lý thương hiệu cần chú ý đó là kiến thức dữ liệu, công nghệ mới để đo lường hành trình của khách hàng và điểm tiếp xúc thương hiệu; thương hiệu có ý thức, tận dụng thương hiệu và đồng sáng tạo thương hiệu.

Với định hướng kết hợp của hai lĩnh vực: học thuật và thực tiễn, hội thảo tập trung thảo luận, chia sẻ về chủ đề xoay quanh phát triển doanh nghiệp bền vững; giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp cũng như vai trò của nhà lãnh đạo trong định hướng sự phát triển doanh nghiệp bền vững; các giải pháp marketing, thương hiệu, các chiến lược nhân sự, các mô hình và giải pháp kinh doanh đóng góp gì trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp; doanh nghiệp nên khởi nghiệp như thế nào để đảm bảo sự phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục