Phát triển diện tích hồ tiêu: Vỡ trận quy hoạch vì thiếu kiểm soát

Việc phát triển diện tích hồ tiêu không kiểm soát được đã dẫn đến nhiều hệ lụy, phá vỡ quy hoạch, dịch bệnh lan rộng và đưa đẩy nhiều nhà nông lâm vào cảnh lao đao.
Chăm sóc hồ tiêu ở "thủ phủ” Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Năm 2018, ngành hồ tiêu nói chung, người trồng tiêu nói riêng bên cạnh việc phải đối mặt với nỗi lo mất giá, mất mùa, dịch bệnh tàn phá, mới đây ngành tiêu lại tiếp tục "dính" thêm "phế phẩm càphê pha pin, sỏi đá."

Thực trạng trên cùng với sự "phát triển nóng," mở rộng diện tích tại các địa phương đã và đang đặt ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương phải đánh giá cụ thể, kiểm soát các hoạt động của ngành hồ tiêu một cách chặt chẽ nhằm xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam bền vững.

Trước những vấn đề trên, phóng viên VietnamPlus đã có những ghi nhận tình hình thực tế tại các tỉnh Đông Nam Bộ, cũng như ghi nhận ý kiến của các nhà sản xuất, hiệp hội, chuyên gia về ngành hồ tiêu hiện nay.

Bài 1: Vỡ quy hoạch 

Hiện nay, nhiều vườn điều, cao su, càphê... đã bị các hộ nông dân đốn hạ để nhường chỗ cho cây tiêu, thậm chí nhiều nơi đất khô cằn, thấp trũng không phù hợp cũng được sử dụng trồng tiêu.

Việc phát triển diện tích không kiểm soát được đã dẫn đến nhiều hệ lụy, phá vỡ quy hoạch, dịch bệnh lan rộng và đưa đẩy nhiều nhà nông lâm vào cảnh lao đao.


Ồ ạt mở rộng diện tích

Bắt đầu từ năm 2010, giá hồ tiêu tăng mạnh và đạt "đỉnh" đến 230.000 đồng/kg vào thời điểm 2015.

Giá tiêu tăng cao đã khiến nhiều nông dân ở miền Đông Nam bộ và cả Tây Nguyên đổ xô vào cây hồ tiêu với giấc mơ đổi đời từ loại cây được mệnh danh là "vàng đen" này. Nhiều hộ nông dân bắt đầu ồ ạt mở rộng diện tích trồng mới, bất chấp "quy hoạch" và điều kiện thực tiễn.

Đến thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phóng viên ghé nhà ông Trần A Thuận, một hộ trồng tiêu với quy mô khá lớn ở đây.

Ông Thuận cho biết, vào thời điểm giá tiêu lên cao năm 2013, ông đã quyết định đốn bỏ 3ha cao su 10 năm tuổi để chuyển qua trồng hồ tiêu xen chuối và bưởi.

Ông Thuận quyết tâm đầu tư cho cây hồ tiêu mặc dù cao su đang độ tuổi cho thu hoạch nhưng vì giá mủ xuống quá thấp chỉ còn 4.500 đồng/kg, nên gia đình ông quyết định chuyển hết diện tích vườn cao su sang trồng hồ tiêu-loại cây trồng đang có giá cao ngất ngưởng lúc bấy giờ.

Lý giải cho nguyên nhân chặt cao su, trồng hồ tiêu, ông Thuận phân tích với giá mủ cao su rớt xuống thấp, gia đình ông thu về chỉ khoảng 60 triệu đồng/3ha/năm, sau khi trừ chi phí như công chăm sóc, phân bón, nhân công ông chỉ còn lãi được 30 triệu đồng. Trong khi vào thời điểm đó, mỗi hécta tiêu thu được 3-4 tấn, sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi cả trăm triệu đồng.

Thực tế, ngoài chặt bỏ các cây trồng một thời có giá trị kinh tế cao cho người nông dân như cao su, điều, càphê, cacao… nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn “liều” trồng cây hồ tiêu trên các vùng đất khô cằn, thiếu nước chỉ có thể trồng các loại cây trồng chịu hạn cao như cây tràm.

[Khuyến cáo người dân Đồng Nai không chặt tiêu để lấy rễ bán]

Đến thăm vườn hồ tiêu nhà nông Nguyễn Minh Thành, ở tổ 1, ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, cảnh tượng vườn tiêu xác sơ ngay lập tức đập vào mắt chúng tôi.

rao đổi với chủ vườn mới vỡ lẽ, hơn 1 ha trồng tiêu này được trồng trên đất mà chỉ có thể trồng tràm do khô cằn, thiếu nước trầm trọng quanh năm. Thế nhưng, với quyết tâm làm giàu, ông Thành đã phá rừng tràm để chuyển đổi sang mô hình trồng hồ tiêu.

Không dừng lại ở đó, ông Thành tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu lên đến 5,5ha. Thế nhưng, ba năm gần đây, cao điểm năm 2018, bất ngờ giá hồ tiêu tụt giảm thảm hại, nhiều nhà nông ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; trong đó, có ông Thành, "tái mặt" vì tiêu thu hoạch bán chẳng ai mua, giá thành ngày càng giảm xuống còn trên dưới 50.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà nông lao đao.

Tương tự, hai mùa vụ gần đây, nhất là niên vụ 2018, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang trong tình cảnh "đứng ngồi không yên" bởi tiêu vừa mất mùa lại vừa mất giá, nhiều nông dân thất thu, thua lỗ vì vay vốn đầu tư, họ bắt đầu đối diện với nhiều khó khăn ở phía trước.

Huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước là địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất tỉnh với tổng diện tích trên 5.000ha. Hộ bà Phan Thị Như, ấp 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp có 1.100 trụ tiêu năm thứ tư xanh tốt đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Năm ngoái, mặc dù mới thu vụ đầu tiên nhưng gia đình bà cũng thu hoạch được trên 2 tấn tiêu khô. Sau một năm thành công, gia đình bà dồn hết vốn tiếp tục tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Nhưng bà Như không ngờ rằng, mùa vụ năm nay hiện tượng tiêu không ra hoa hoặc rụng hoa hàng loạt, nguy cơ mất mùa rất cao.

Theo quan sát, tại vườn bà Như tỷ lệ ra hoa và đậu trái chỉ được 30%. Nhìn vườn tiêu xơ xác, bà Như nghẹn ngào nói: “Năm nay do trời mưa liên tục và kéo dài khiến cho cây tiêu khó trổ hoa, nên tỷ lệ đậu hạt rất thấp. Với tình trạng này, tiêu năm nay mất mùa là chắc chắn.”

Đánh giá về tình trạng nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, nếu tiếp tục trồng mới thì giá cả phải xuống theo thị trường do cung vượt cầu và như vậy, nông dân tự gây khó khăn cho chính mình.

Hiện nay, bà con cần tập trung thâm canh tăng năng suất, tăng sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên diện tích hiện hữu đã có và không mở rộng diện tích.


Vượt quy hoạch gấp hai lần

Ghi nhận tại "thủ phủ" hồ tiêu Bình Phước cho thấy, mức độ gia tăng diện tích hồ tiêu “bùng nổ” vượt hàng nghìn héc ta so với hoạch định ban đầu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã trồng hơn 16.000 ha hồ tiêu và dự kiến mùa vụ 2018, tổng sản lượng dự báo đạt xấp xỉ trên 27.000 tấn hạt tiêu khô.

Tương tự, tại Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có gần 15.000ha hồ tiêu và diện tích này đã vượt gấp đôi so với quy hoạch của tỉnh. Diện tích hồ tiêu tăng do giai đoạn 2013-2015 giá nông sản này ở mức cao nên nông dân ồ ạt trồng.

Ở quy mô toàn quốc, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, do nhu cầu của thị trường thế giới, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam trong giai đoạn 2012-2017 tăng rất nhanh. Nếu năm 2010, cả nước chỉ trồng 51.500ha hồ tiêu, đến năm 2017 đã tăng lên đến 152.668ha, tăng đến gần 200% và vượt quy hoạch trên 100.000ha.

Cụ thể, vùng Tây Nguyên có 93.356ha, Đông Nam Bộ có gần 49.500ha. Sự gia tăng diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Tốc độ tăng diện tích của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 là 49,2%, so với trung bình thế giới là 14,4%.

Theo Cục Trồng trọt, việc diện tích tăng nhanh, vượt xa so với quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt được xem là một trong những thách thức, khó khăn của ngành hồ tiêu.

Người trồng hồ tiêu ở "thủ phủ” Bình Phước khốn đốn do tiêu rớt giá. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, diện tích hồ tiêu của cả nước là 50.000ha, đến nay đã đạt gần 152.000ha, do giá hồ tiêu hấp dẫn nông dân so với nhiều loại cây khác.

Về thị trường xuất khẩu hạt tiêu khô hồi năm ngoái (2017) đạt 214.855 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD.

Theo thống kê tháng Ba vừa qua, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đen 90,39 triệu USD, tăng 123% so với tháng Hai vừa qua.

Tính chung bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 90.000 tấn, trị giá 316,65 triệu USD, tăng 17,9% về số lượng nhưng giảm 32% về trị giá so với bốn tháng đầu năm ngoái.

Trong khi đó, theo đánh giá niên vụ 2017/2018, cả nước đã thu hoạch gần xong vụ hồ tiêu năm nay, năng suất bình quân giảm khoảng 30-40%. Cộng giá thành tụt giảm mạnh, mất mùa đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người trồng tiêu.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, hiện do nguồn cung cao hơn cầu khiến giá hồ tiêu thế giới không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không còn được như trước. Mặt khác, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật của các nước nhập nhẩu như Mỹ, Canada, Đức, Anh, Hà Lan… ngày một cao.

Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn nếu tập trung giải quyết tốt hơn khâu sản xuất nguyên liệu, tổ chức theo chuỗi, gắn chặt với yêu cầu thị trường. Hồ tiêu sạch các loại, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng chỉ môi trường-xã hội… sẽ dễ dàng tiêu thụ với giá trị tăng cao hơn.

Dưới góc độ thị trường thế giới, theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới năm 2017 khoảng 510.000 tấn, mức tăng trưởng hàng năm từ 2- 2,4%. Sự phát triển nhanh về quy mô diện tích hồ tiêu ở Việt Nam có thể dẫn đến cung vượt cầu trên thị trường thế giới, ảnh hưởng bất thuận đến giá hồ tiêu xuất khẩu và hiệu quả sản xuất hồ tiêu.

Với tình hình trên, nhiều chuyên gia cảnh báo, sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam đang bộc lộ những biểu hiện thiếu bền vững; trong đó có hiện trạng bùng nổ về diện tích; gia tăng dịch bệnh; hạn chế trong kiểm soát chất lượng, tổ chức liên kết sản xuất và phát triển chuỗi giá trị; tác động của biến đổi khí hậu được coi là các yếu tố bất ổn đến ngành hồ tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục