Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Bộc lộ nhiều hệ lụy

Trong một thời gian phát triển “nóng” ở khu vực Tây Nguyên, đến nay nhiều hệ lụy đang bộc lộ, nhất là trong quản lý nhà nước, vận hành, sử dụng nguồn điện mặt trời.
Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Bộc lộ nhiều hệ lụy ảnh 1Lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái. (Nguồn: TTXVN)

Cơ chế khuyến khích của Chính phủ đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển điện Mặt Trời trong một thời gian ngắn, tất cả các dự án đều đi vào hoạt động trước ngày 31/12/2020 để hưởng chính sách giá mua điện ưu đãi.

Cũng trong một thời gian phát triển “nóng” ở khu vực Tây Nguyên, đến nay nhiều hệ lụy đang bộc lộ, nhất là trong quản lý nhà nước, vận hành, sử dụng nguồn điện Mặt Trời.

“Sờ” đâu sai đó

Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế và rà soát hồ sơ của 40 hệ thống điện Mặt Trời mái nhà lắp trên các công trình dân dụng, nhà xưởng, trang trại nông nghiệp của 15 huyện, thị xã, thành phố, gồm 28 trang trại nông nghiệp, 5 công nghiệp, 6 dân dụng và 1 hệ thống hạ tầng.

Kết quả tổng hợp báo cáo ngày 30/6/2021 cho thấy, tồn tại rất nhiều bất cập, thậm chí nhiều công trình chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Đơn cử như việc sử dụng đất trong hoạt động sản xuất trang trại nông nghiệp kết hợp với điện Mặt Trời mái nhà. Đối với 28 trang trại tại thời điểm kiểm tra, có 13/28 trang trại nông nghiệp xây dựng công trình trang trại trên đất trồng cây lâu năm chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác.

Việc quản lý sử dụng đất tại địa phương còn chưa chặt chẽ như các huyện Buôn Đôn, Cư M'Gar, Cư Kuin, Krông Ana, M’Đrắk…Các trang trại này chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa thực hiện việc chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại nhưng đã thực hiện xây dựng trang trại để có mái lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời.

[Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Đánh thức tiềm năng]

Một số địa phương có văn bản đồng ý cho cá nhân, tổ chức chủ trương xây dựng trang trại, cấp phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm, chưa đúng mục đích sử dụng đất như trên địa bàn huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắc…

Về xây dựng công trình, các hạng mục công trình điện Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền thì các đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên ngành để thực hiện thẩm định và xin cấp giấy phép xây dựng.

Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân các huyện đã cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, trang trại không đúng theo quy định và cấp giấy phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm.

Thực tế này xảy ra tại các địa phương như huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M’Gar, Krông Ana, M'Đrăk, Ea Kar, Krông Năng.

Về phòng cháy chữa cháy, tại thời điểm kiểm tra có 28/40 hệ thống điện Mặt Trời chưa thực hiện theo hướng dẫn của Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), như bố trí tấm thu năng lượng và lối đi trên mái; trang bị và bố trí các bình chữa cháy tại các vị trí inverter, tủ điện, trạm biến áp...

Về thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện giữa Công ty Điện lực Đắk Lắk và chủ đầu tư hệ thống điện Mặt Trời, tại thời điểm kiểm tra 40 hệ thống điện Mặt Trời đã được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, một số hồ sơ thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện hệ thống điện Mặt Trời chưa chặt chẽ về thời gian và pháp lý. Hồ sơ thiết kế phần đường dây và trạm biến áp đấu nối chưa được chủ đầu tư tổ chức thẩm tra và phê duyệt.

“Khủng hoảng thừa” năng lượng

Chỉ trong một thời gian ngắn với sự “bùng nổ” của điện Mặt Trời thì cụm từ “khủng hoảng thừa nguồn điện” lại được nhắc đến rất nhiều và thực tế đã diễn ra tại nhiều địa phương. Đây chính là nghịch lý và gây lãng phí nguồn năng lượng được xem là xu thế trong tương lai.

Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Bộc lộ nhiều hệ lụy ảnh 2Nhà máy điện Mặt Trời Sê San 4. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Mùa khô Tây Nguyên là thời điểm nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, mùa khô 2020-2021 trở thành một trong những mùa khô chưa có tiền lệ tại nhiều địa phương khi một số tỉnh phải tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo do nguồn điện Mặt Trời dư thừa.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Lâm Đồng, đầu năm 2021, tỉnh đã có 1.400 khách hàng lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 300 MWp.

Việc phát triển nguồn điện Mặt Trời cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nguồn điện năng bị dư thừa trong những tháng mùa khô, đặc biệt vào những thời điểm sử dụng điện ít trong ngày.

Trước tình trạng này, có những thời điểm, ngành điện Lâm Đồng phải cắt giảm từ 20-30% trong tổng công suất lắp đặt trên hệ thống của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, việc phát triển nóng điện Mặt Trời như hiện nay khiến hạ tầng lưới điện của ngành điện không đáp ứng được; không tải hết được công suất của điện Mặt Trời lên lưới điện phân phối nên buộc phải đầu tư thêm hạ tầng lưới điện truyền tải. Đây cũng là khó khăn ngành điện Lâm Đồng đang đối mặt.

Tương tự tại tỉnh Gia Lai, việc ồ ạt phát triển các dự án điện Mặt Trời trong điều kiện hạ tầng lưới điện không đáp ứng kịp dẫn đến khủng hoảng thừa điện năng. Để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện, Công ty Điện lực Gia Lai bắt buộc phải cắt giảm luân phiên công suất phát của các hệ thống điện Mặt Trời trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, việc phát triển quá nhanh nguồn điện Mặt Trời đã để lại một số hệ lụy nghiêm trọng và dẫn đến việc phải cắt giảm công suất nguồn này trong thời gian vừa qua.

Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực của xã hội mà còn tạo sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, dẫn đến tranh chấp giữa nhà đầu tư trước với nhà đầu tư sau. Đặc biệt, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư hoạt động đúng cam kết với các nhà đầu tư lách chính sách để hưởng lợi.

Là một trong những nhà đầu tư điện Mặt Trời, bà Trần Thị Diễm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Ly, Gia Lai bức xúc cho hay: "Theo chủ trương của Chính phủ, chúng tôi đã đầu tư rất nghiêm túc và bài bản. Chính vì vậy, việc đầu tư của chúng tôi có giá trị lớn hơn so với các đơn vị đầu tư theo mục đích chỉ sản xuất và bán điện; không có phần trang trại bên dưới hoặc là không nghiêm túc trong việc đầu tư trang trại sản xuất. Rất bất công cho doanh nghiệp vì đầu tư một nguồn tài chính lớn và tuân thủ đúng các quy định nhưng hoạt động cắt giảm nguồn điện lại phân bổ đều. Từ đó, dẫn đến việc chậm thu hồi vốn và thiệt hại cho doanh nghiệp."

Lý giải nguyên nhân của việc cắt giảm bớt công suất nguồn điện Mặt Trời, ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh tế phát triển chậm lại.

Nhu cầu sử dụng điện giảm thấp dẫn đến một số thời điểm hệ thống thừa công suất và gây quá tải cục bộ một số lưới điện đặc biệt là lưới điện liên kết miền. Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp trong trường hợp thừa công suất cần phải tiết giảm hệ thống điện Mặt Trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục