Phát triển điện hạt nhân: Việt Nam sắp hoàn thành “Cột mốc số 2”

Việt Nam chuẩn bị hoàn thành Cột mốc số 2 - Sẵn sàng cho việc mời thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên - và tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.
Phát triển điện hạt nhân: Việt Nam sắp hoàn thành “Cột mốc số 2” ảnh 1Đại diện Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đối với mỗi quốc gia, việc thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân đòi hỏi cần có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, xây dựng kế hoạch một cách cẩn thận cũng như có sự chuẩn bị đầu tư về thời gian và nguồn nhân lực một cách tập trung, quyết liệt với ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Cơ quan năng lượng nguyên từ quốc tế (IAEA), một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân phải dựa trên cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Cam kết này đòi hỏi phải thiết lập cơ sở hạ tầng quốc gia bền vững bao gồm: Chiến lược, chính sách quốc qua, luật pháp, pháp quy, quản lý công nghệ, nhân lực và công nghiệp hỗ trợ cho chương trình năng lượng hạt nhân suốt cả vòng đời của nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, nó phải thể hiện là một chương trình năng lượng hạt nhân có trách nhiệm thông qua sự phù hợp với hệ thống luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận cũng như tạo ra những quy tắc cần thiết cho đảm bảo an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân và những vấn đề nhạy cảm khác.

Tại Việt Nam, trên cơ sở triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử từ những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Năm 2009, Quốc hội đã thông qua dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Theo khuyến cáo của IAEA, đối với các nước đang chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, việc phát triển và thực thi một cơ sở hạ tầng thích hợp là vấn đề trọng tâm với tất cả các hoạt động, năng lực tổ chức cần thiết để thiết lập và vận hành một chương trình điện hạt nhân đúng kế hoạch và có hiệu quả.

Thực tế kinh nghiệm đúc kết trong việc phát triển điện hạt nhân của các quốc gia thành viên, IAEA cho biết cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm 19 vấn đề cơ bản: vai trò trách nhiệm của quốc gia; an toàn hạt nhân; quản lý; vốn và tài chính; khuôn khổ pháp lý; thanh sát; khuôn khổ pháp quy; an toàn bức xạ; lưới điện; phát triển nguồn nhân lực; sự tham gia của các bên liên quan; địa điểm và các công trình hỗ trợ; bảo vệ môi trường; kế hoạch ứng phó khẩn cấp; an ninh và bảo vệ thực thể; chu trình nhiên liệu hạt nhân; chất thải phóng xạ; tham gia của các ngành công nghiệp; mua sắm vật tư, thiết bị.

Bà Nguyễn Thu Giang, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết với sự hỗ trợ của IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các vấn đề cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nhằm đảm bảo cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được thực hiện với độ an toàn và hiệu quả cao nhất.

IAEA đã hai lần cử đoàn đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân sang Việt Nam để đánh giá, qua mỗi lần đánh giá, IAEA đều ghi nhận những cố gắng và kết quả đã đạt được, đồng thời, khuyến cáo chỉ ra những thiếu hụt cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho mỗi vấn đề trong 19 vấn đề của cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam.

Tại đợt đánh giá thứ 2, IAEA kết luận Việt Nam đã có những cố gắng thông qua hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng để hoàn thành pha 2, chuẩn bị bước vào pha 3 của chương trình điện hạt nhân.

Đoàn công tác IAEA cũng đưa ra 42 khuyến cáo và bốn đề nghị để giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân trong giai đoạn bước vào khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận.

Ông Brian Molloy, chuyên gia của IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng cho biết trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân có những hoạt động cần phải hoàn thành phù hợp với 3 pha tiến độ cần phải đạt của dự án điện hạt nhân. Thời gian cho mỗi pha phụ thuộc vào mức độ cam kết và nguồn lực mỗi quốc gia. Thuật ngữ “cột mốc cơ sở hạ tầng” là để chỉ những điều kiện cần thiết chứng tỏ rằng pha đó đã được hoàn thành.

Ba pha của điện hạt nhân gồm: Pha 1 - Nghiên cứu, cân nhắc, xem xét trước khi quyết định đưa ra thực hiện chương trình điện hạt nhân; Pha 2 - Những công việc chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau khi đã có quyết định về chính sách quốc gia; Pha 3 - Vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Việc hoàn thành các điều kiện cơ sở hạ tầng của mỗi pha được đánh dấu bằng một cột mốc kỹ thuật mà tại đó kết quả tiến độ đã được đánh giá đủ mức độ có thể chuyển sang pha tiếp theo. Những cột mốc đó là: Cột mốc số 1 - Sẵn sàng đưa ra cam kết ý chí đảm bảo cho một chương trình điện hạt nhân; Cột mốc số 2 - Sẵn sàng cho việc mời thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên; Cột mốc số 3 - Sẵn sàng để đưa vào hoạt động và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thành cột mốc số 2 và tiếp tục triển khai các bước xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục