Phát triển Cổng tham vấn và tra cứu các quy định kinh doanh

Cổng tham vấn giúp người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm các quy định kinh doanh; góp ý về các dự thảo quy định kinh doanh và gửi vướng mắc, khó khăn và đề xuất.
Phát triển Cổng tham vấn và tra cứu các quy định kinh doanh ảnh 1Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan. (Ảnh minh họa: Thái Thuần/TTXVN)

Phát triển Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, trở thành công cụ quan trọng phục vụ các bộ, ngành cải cách quy định kinh doanh.

Quan điểm trên được ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội thảo tham vấn cáo cáo đề xuất nâng cấp Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh diễn ra ngày 28/2.

Sự kiện do Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Ireland, Bộ Kinh tế và Thương mại Anh tổ chức.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, từ năm 2021 đến nay, đã có 2.142 quy định kinh doanh tại 171 văn bản quy phạm pháp luật được cắt giảm, đơn giản hóa, gồm 995 thủ tục hành chính; 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 159 yêu cầu, điều kiện; 47 chế độ báo; 933 thủ tục, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.152 quy định kinh doanh tại 195 văn bản quy phạm pháp luật.

Dưới sự hỗ trợ của Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME), Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2021 là công cụ phục vụ người dân, doanh nghiệp và đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành.

[Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách quy định kinh doanh]

Cổng tham vấn giúp người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm các quy định kinh doanh; góp ý về các dự thảo quy định kinh doanh và gửi vướng mắc, khó khăn và đề xuất, đồng thời phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thống kê, rà soát và cập nhật, công khai quy định; tham vấn, tương tác với người dân, doanh nghiệp; quản lý quá trình xây dựng, thực thi phương án cải cách.

Đến nay, trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã công khai, cập nhật 17.819 quy định (4.398 thủ tục hành chính; 868 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.771 yêu cầu, điều kiện; 856 chế độ báo cáo; 87 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 8.848 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 78 quy định cấm).

Theo ông Ngô Hải Phan, để cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tháng 10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả 59 nhiệm vụ, giải pháp.

Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách cách thủ tục hành chính tiếp tục nâng cấp, phát triển Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, trở thành công cụ quan trọng phục vụ các bộ, ngành cải cách quy định kinh doanh.

Báo cáo “Đề xuất nâng cấp Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh” do Đại sứ quán Anh hỗ trợ xây dựng sẽ là tài liệu thiết thực và hữu ích để Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tham khảo, vận dụng trong quá trình hoàn thiện Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp cũng như nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, góp phần thực hiện thành công Chương trình cải cách thể chế, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Phát triển Cổng tham vấn và tra cứu các quy định kinh doanh ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bà Ruth Turner, Tham tán Chính trị-Kinh tế, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho rằng Cổng tham vấn là một trong những công cụ quản lý quan trọng nhằm tạo điều kiện quản lý các quy định hiệu quả hơn bằng cách áp dụng các giải pháp số để có thể đảm bảo thực hiện Nghị quyết 68 hiệu quả và bền vững.

Cổng tham vấn sẽ là kênh tương tác trực tiếp và hiệu quả cho các doanh nghiệp trao đổi với Chính phủ và tác động đến các quy định kinh doanh hiện hành, cũng như các quy định ban hành mới. Điều này sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bà bày tỏ ấn tượng với quá trình chuyển đổi số và cải cách quy định, kiểm soát thủ tục hành chính Việt Nam đã đạt được; mong muốn đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả Cổng tham vấn nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, doanh nghiệp.

Báo cáo đề xuất cải thiện Cổng tham vấn, chuyên gia giải pháp, công nghệ cải cách Đào Phan Quang nhấn mạnh mục tiêu của Cổng là thu hút thêm và tạo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Cổng tham vấn được xây dựng như một diễn đàn mở cho phép các hiệp hội, doanh nghiệp và công dân tham gia vào. Với tính chất là một diễn đàn, các tiêu chí xác định mức độ thành công của cổng gồm số lượng người dùng thường xuyên theo từng tháng; số lượng trao đổi, đóng góp ý kiến, tương tác có ý nghĩa theo từng tháng.

Ngoài ra với đặc thù nghiệp vụ, Cổng tham vấn cũng cần được đánh giá qua các tiêu chí về số lượng lượt tra cứu quy định kinh doanh; số lượng tham vấn, vướng mắc được xử lý và đánh giá tích cực; số lượng quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa có thực hiện tham vấn, cũng như lượng văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung có thực hiện tham vấn trên cổng.

Đề xuất cải thiện Cổng tham vấn, ông Đào Phan Quang cho rằng Cổng tham vấn cần đảm bảo các chức năng cho phép người dùng tra cứu tất cả các quy định kinh doanh; tham vấn của các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp và khi gặp vướng mắc, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ chủ động gửi ý kiến về các quy định kinh doanh. Khi các ý kiến này nhận được nhiều đồng thuận, các bộ sẽ tiếp nhận và phản hồi.

Qua Cổng tham vấn, người dùng có thể liên tục cập nhật thông tin thay đổi, đánh giá, bình luận phản hồi của các bộ về tham vấn và vướng mắc. Mỗi bước trên quy trình trải nghiệm đều cần được liên tục cải thiện, với mục đích tiết kiệm thời gian và tạo thuận lợi cho người dùng.

Chuyên gia này nêu những đề xuất cải thiện trải nghiệm người dùng từ phương pháp tìm kiếm đến xử lý các vấn đề thường gặp của việc tra cứu, quá trình tham vấn, quá trình gửi vướng mắc, đề xuất, quá trình tương tác với tham vấn, đề xuất; cũng như những vấn đề thường gặp của quá trình đánh giá phản hồi của bộ, ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục