Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đó là một trong những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 43-NQ/TW ban hành tháng 1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi dịch COVID-19 xảy ra tại Đà Nẵng, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ gần như đóng băng, kéo theo sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế toàn thành phố.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng vẫn duy trì sản xuất và phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao được coi như giải pháp an toàn để vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này.
Duy trì sản xuất
Trong suốt 2 đợt cao điểm chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng vừa qua, ngày nào chị Hoàng Thị Diệu Huyền cũng đều đặn dón xe buýt công nhân từ khu nhà trọ trong thành phố để đến làm việc tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Tuy cả thành phố phải căng sức chống dịch và nhiều người phải nghỉ việc để cách ly xã hội, nhưng chị vẫn có công việc ổn định, vừa tập trung lao động sản xuất vừa bảo vệ bản thân an toàn, hiệu quả.
Chị Hoàng Thị Diệu Huyền là nhân viên văn phòng kiêm phiên dịch viên tại công ty ICT Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc, thuộc tập đoàn DENTIUM).
Tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2018, chị Huyền tiếp tục học thêm tiếng Hàn với mong muốn tìm việc trong một công ty Hàn Quốc tại Đà Nẵng.
[Thành lập BQL các dự án phát triển hạ tầng KCN, công nghệ cao Đà Nẵng]
Đầu năm 2019, chị được nhận vào công ty ICT Vina làm phiên dịch viên kiêm tuyển dụng nhân sự, khi công ty này còn đang thi công, chưa vận hành sản xuất. Sau hơn 1 năm làm việc, chị Huyền đã gắn bó với nơi này, coi như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Chị Hoàng Thị Diệu Huyền cho biết, lúc chị bắt đầu làm việc, khả năng tiếng Hàn còn chưa tốt, lại chưa có chuyên môn về mảng sản xuất y tế nha khoa, nhưng về đây được công ty hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ.
Đi làm ở trên Khu công nghệ cao tuy hơi xa, nhưng có xe đưa đón, có căng tin ăn trưa; môi trường làm việc chuyên nghiệp, lương thưởng và các chế độ rất hợp lý. Chị thấy thật may mắn vì mới ra trường và cũng chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng được làm việc và học hỏi tại công ty nước ngoài hiện đại, chuyên nghiệp.
Chị Huyền là một trong số 54 nhân viên người Việt Nam làm việc trong Công ty ICT Vina, chuyên sản xuất thiết bị nha khoa công nghệ cao, có vốn đầu tư 20 triệu USD.
Tuy là công ty sản xuất thiết bị xuất khẩu, có quy mô, diện tích lớn, nhưng công ty lại có ít nhân viên, nhờ ứng dụng dây chuyền máy móc công nghệ cao. Vì vậy, có thể vừa giữ ổn định sản xuất, vừa triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, ngành nghề sản xuất chính của công ty ICT Vina là sản xuất thiết bị nha khoa kỹ thuật số và răng cấy nhân tạo. Hiện nay, công ty đang xuất khẩu các sản phẩm về lại thị trường Hàn Quốc, công ty cũng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam.
Trong các phân xưởng sản xuất của công ty, các phân đoạn chính được làm bằng máy tự động, công nhân chỉ điều khiển máy, kiểm tra sản phẩm và đóng gói. Vì vậy, các dây chuyền sản xuất đều đảm bảo công nhân dãn cách 2 mét, giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc trực tiếp.
Ông Lee Hyung Seok, Tổng giám đốc ICT Vina cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng trong việc khống chế dịch bệnh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Về phía mình, chúng tôi cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và phòng, chống dịch cộng đồng. Nhờ vậy, tuy bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh nhưng việc sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn duy trì ổn định, đáp ứng cho các nhu cầu, đơn hàng của đối tác.”
Kỳ vọng ổn định kinh tế
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, ngay từ những ngày đầu chống dịch, Ban quản lý đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, lao động của doanh nghiệp.
Qua đó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch đến doanh nghiệp bằng nhiều cách thông qua nhiều kênh khác nhau: tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng doanh nghiệp các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập các tổ (do Trưởng phòng làm Tổ trưởng) để kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại từng doanh nghiệp và nắm thông tin hàng ngày; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá trong thời gian giãn cách xã hội...
Đồng thời, Ban Quản lý cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự đồng thuận của doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
Ông Phạm Trường Sơn cho biết tuy Đà Nẵng đã bước đầu khống chế thành công dịch COVID-19, nhưng để tiếp tục duy trì thành quả đó, Ban Quản lý vẫn thường xuyên nắm thông tin tình hình sản xuất, tình hình công nhân để có sự hỗ trợ kịp thời.
Cùng đó, tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp chủ động triển khai công tác phòng chống dịch tại nhà máy, phân xưởng; đối với dự án có quy mô từ 20 người lao động trở lên phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và có cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Quan trọng nhất là tập trung sản xuất nhưng vẫn không được chủ quan, lơ là chống dịch.
Theo thống kê của Ban quản lý khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, trong 8 tháng đầu năm 2020, tuy ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tất cả các khu đạt 11.656 tỷ đồng (chiếm 22,8% tổng doanh thu toàn thành phố).
Kim ngạch xuất khẩu đạt 382,18 triệu USD (chiếm 66,46% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố), đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương đạt khoảng 2.235 tỷ đồng (chiếm khoảng 19,8% tổng thu ngân sách của thành phố).
Lũy kế đến nay, khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã thu hút 489 dự án; trong đó, có 361 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 24.747,8 tỷ đồng (chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư trong nước của thành phố) và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.598,7 triệu USD (chiếm 47% tổng vốn đầu tư FDI của thành phố). Đồng thời, giúp giải quyết việc làm cho tổng cộng hơn 78.000 lao động.
Trong thời gian tới, Ban quản lý khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư như tham mưu cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất phục vụ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Đồng thời, rà soát, công bố quy hoạch, quỹ đất để kêu gọi đầu tư; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để Đà Nẵng nói chung và các khu công nghiệp, công nghệ cao nói riêng thực sự là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực thật sự trong các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao./.