Phát triển công nghệ số, ứng dụng AI trong hiện đại hóa đất nước

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình hiện đại hóa là những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới,” ngày 14/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 hội thảo chuyên đề liên quan.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Vietnam"

Hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Viet Nam.”

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trong 3 năm qua, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đang chứng kiến sự khởi sắc của các doanh nghiệp trong nước.

Các đơn vị tiêu biểu như Viettel, VNPT, Trung Nam EMS… đã từng bước nghiên cứu, phát triển các sản phẩm sản xuất thông minh, sản phẩm tích hợp. Theo ông Nghĩa, những chính sách phù hợp và sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành sẽ rất cần thiết trong tương lai khi có ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư cho việc làm chủ sản xuất và công nghệ.

Bà Phan Thị Thanh Ngọc - chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) khẳng định, để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh, bền vững, cần có sự kết hợp giữa sức mạnh tự cường và khả năng hợp tác quốc tế, giữa nhà nước mạnh và thị trường mạnh.

[Việt Nam chủ động tiếp cận cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4]

Bà Thanh Ngọc đưa ra đề xuất chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam bao gồm chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp; chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số "Make in Viet Nam;" xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình hiện đại hóa

“Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là chủ đề của Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Diễn đàn.

Khẳng định việc thích ứng và hành động một cách chủ động, kịp thời, có chiến lược trong thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đối với các quốc gia, Tiến sỹ Dương Duy Hưng (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, quá trình đó đòi hỏi sự thích ứng, điều chỉnh một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia và từng nền kinh tế.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnhh: Phương Hoa/TTXVN)

Trên thế giới, các chính phủ, các tập đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho trí tuệ nhân tạo vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định trí tuệ nhân tạo là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Dương Duy Hưng nhận định Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua để phát triển nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, như cần đẩy mạnh quá trình xây dựng, kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; hoàn thiện thể chế, chính sách; huy động, thu hút nguồn lực đa dạng vào phát triển trí tuệ nhân tạo...

Những tồn tại, hạn chế này cần có sự chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ từ nhiều phía, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ toàn cảnh về công nghệ trí tuệ nhân tạo, tập trung xoay quanh một số vấn đề như: Thực trạng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, xu hướng hiện nay và những nguy cơ trong việc phát triển, ứng dụng; những ngành nghề mũi nhọn, tiềm năng để các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi đúng hướng trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều mô hình kinh doanh mới trong tương lai.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ngành năng lượng xanh

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam", ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "Tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới.

Nghị quyết cũng đề ra chủ trương khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ.

Hiện nay, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh, trong khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án điện chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Trữ lượng và sản lượng sản xuất của than, dầu thô và khí suy giảm hàng năm.

Để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cần sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng trong bối cảnh mới.

Đồng thời, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo sự chủ động về năng lượng cho Việt Nam. Ngoài ra, việc triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 cũng cần được quan tâm.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á. Trong tương lai gần, nhu cầu về thiết bị phục vụ lĩnh vực điện gió tại Việt Nam là rất lớn.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đặc biệt khả năng khảo sát, thi công các công trình điện gió ngoài khơi.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa cho biết hiện nay, Viettel đã nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ lõi để sản xuất thiết bị điện gió. Dù có nhiều thế mạnh của đơn vị làm hạ tầng viễn thông nhưng hiện tại, khó khăn của Viettel là vấn đề chi phí đầu tư cho điện gió rất lớn, cùng với việc phải cạnh tranh trên thị trường đầu ra với những đối thủ đã có thương hiệu đến từ nước ngoài.

Hiện Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển ngành năng lượng xanh như vay vốn ưu đãi dài hạn, bảo hộ đầu ra, giao cho doanh nghiệp trong nước các dự án thí điểm cấp quốc gia...

Ông Nguyễn Thế Nghĩa đề xuất, các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo chính sách phát triển điện gió của các quốc gia phát triển để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ngành năng lượng xanh tại Việt Nam.

Chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng khẳng định, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của phát triển bền vững, là mục tiêu quan trọng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, bối cảnh và tình hình hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình phát triển mới, đồng thời cần có bước đi đột phá, tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới, tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là chuyển đổi số; đồng thời chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” vì mục tiêu phát triển bền vững.

"Bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự 'chuyển đổi kép,' kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng" - ông Hưng nhận định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày 6 báo cáo chính để tập trung làm rõ những nội dung về Công nghệ đám mây: Động lực chính trong chuyển đổi số ngành tài chính; phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và mô hình ngân hàng xanh-kinh nghiệm của BIDV; đột phá và thúc đẩy kinh doanh qua nền tảng tài chính; Thương mại 2023: Công nghệ không tiếp xúc và token hóa thúc đẩy phát triển thanh toán không chạm; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số cho các đơn vị kinh doanh.

Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề như cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; giải pháp huy động vốn thực hiện những dự án tăng trưởng xanh hiện nay; những cơ hội lớn được mở ra từ quá trình chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không chạm; cơ chế phối hợp giữa các bên để thúc đẩy quá trình quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cho đất nước./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục