Phát triển công nghệ hỗ trợ tại Việt Nam và câu chuyện "thóc vàng"

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang nắm trong tay một cơ hội lớn để mở ra những bước khởi đầu đầy thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Không ít người ví von, cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ không khác gì "hạt thóc vàng" đang ở trên sân nhà.

Tuy nhiên, hạt thóc vàng ấy có nằm trong tay doanh nghiệp trong nước hay không, lại phụ thuộc vào cơ chế điều hành và liên kết từ cơ quan quản lý tới các doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang nắm trong tay một cơ hội lớn để mở ra những bước khởi đầu đầy thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chỉ tính riêng Samsung, với sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung và các công ty thành viên cùng các dự án phát triển của Samsung Electronics, Samsung Display, Samsung Electro-Mechanics… đã đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam trong năm 2014 với tổng vốn đầu tư dự kiến vượt ngưỡng 10 tỷ USD.

Các dự án này đang từng bước hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng linh kiện điện tử tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh nước ngoài cùng một số doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, tại thời điểm này, Việt Nam đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại, linh kiện cao su…

Như vậy, vẫn thiếu bóng dáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Dấu ấn của ngành công nghiệp Việt Nam còn rất mờ nhạt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lấy ví dụ từ Bắc Ninh, vốn là tâm điểm của nhiều khu công nghiệp điện tử, hiện đã thu hút được 130 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có nhiều nhà sản xuất, lắp ráp lớn có thương hiệu đa quốc gia như Samsung, Canon, Nokia, Foxcom…

Giá trị sản xuất công nghiệp của khối doanh nghiệp FDI liên quan tới công nghiệp hỗ trợ hiện đạt trên 40 nghìn tỷ đồng.

Tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai xây dựng thí điểm Cụm công nghiệp hỗ trợ trên diện tích 50ha, với 200 nghìn m2 nhà xưởng và dự kiến tiếp nhận khoảng 40 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho lắp ráp điện tử, ôtô và cơ khí chính xác.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là qua khảo sát thực tế, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sân chơi này còn rất ít và đang có xu hướng bị áp đảo bởi các doanh nghiệp FDI.

Vậy đâu là lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó tiếp cận với "hạt thóc vàng" ngay tại sân nhà?

Để có thể trở thành một doanh nghiệp vệ tinh, là nhà cung cấp linh kiện cho các công ty thành viên của Tập đoàn Samsung, theo ông Jang Hoyoung, Tổng Giám đốc bộ phận mua hàng Samsung Electronics Việt Nam, doanh nghiệp cần có năng lực kỹ thuật, có đăng ký bằng sáng chế, có cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra phải kiểm soát và bảo đảm chất lượng cũng như có giấy chứng nhận ISO.

Mặt khác, cơ cấu giá thành có sức cạnh tranh cao, điều chỉnh theo hướng tích cực. Môi trường và an toàn phải được đảm bảo; phải cam kết tín dụng, tỷ lệ vốn lưu động và tỷ lệ nợ thấp… cùng những quy trình đăng ký, thủ tục hết sức khắt khe.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu tự kiểm lại mình thì sẽ khó có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được những quy định và tiêu chuẩn do Samsung đặt ra.

Và dù cho nỗ lực tiệm cận tới những yêu cầu đó thì cũng khó lòng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài đến từ những quốc gia tiên tiến và đứng đầu về sản xuất công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ.

Phản ánh thực trạng và những hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thẳng thắn thừa nhận, chúng ta còn thiếu các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu hỗ trợ cơ bản; hàm lượng chế tạo nội địa thấp mà chủ yếu chỉ là gia công, lắp ráp bán thành phẩm hoặc cụm linh kiện.

Trong khi đó, công nghệ gia công còn lạc hậu, công suất thấp, giá thành cao, chất lượng lại không ổn định.

Ngoài ra còn có những yếu tố khách quan như việc tiếp cận, chia sẻ thông tin về năng lực sản xuất và thị trường còn hạn chế; dung lượng thị trường trong nước nhỏ hẹp, khó đạt quy mô kinh tế và hiệu quả. Đó là chưa kể môi trường đầu tư ở Việt Nam chưa ổn định làm cơ sở niềm tin cho các doanh nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước.

Cũng như chưa tạo lập được mô hình liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quốc gia.

Thực tế cho thấy, để biến cơ hội thành lợi nhuận, ngành công nghiệp hỗ trợ còn non trẻ của Việt Nam cần có một cơ chế liên kết bền chặt từ Nhà nước tới doanh nghiệp, từ doanh nghiệp trong nước tới doanh nghiệp nước ngoài, từ địa phương tới doanh nghiệp… Trong chặng khởi đầu, không thể thiếu chính sách ưu đãi mang tính đòn bẩy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục