Theo Dự thảo quyết định của của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020, các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ tiền khi mua con giống; tiêm vắcxin, xây dựng, cải tạo chuồng trại; kinh phí xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đầu tư tùy theo con giống mà nông hộ chăn nuôi. Đối với nông hộ nuôi lợn, mức đầu tư sẽ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/con giống nội và từ 1-2 triệu đồng/con giống ngoại.
Những hội chăn nuôi gia cầm giống có quy mô chăn nuôi thường xuyên trên 200 mái sinh sản cấp giống bố mẹ được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 24 tháng tiền mua gà, vịt giống.
Các hộ chăn nuôi gia súc sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua tinh, hỗ trợ từ 5-8 triệu đồng/con trâu, bò giống và 100% lãi suất tiền vay trong 24 tháng cho toàn bộ tiền vay mua bò cái giống hướng sữa.
Bên cạnh hỗ trợ tiền mua con giống, Nhà nước còn hỗ trợ 100% vắcxin tiêm phòng định kỳ hàng năm đối với một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi; hỗ trợ cho các hộ nghèo chăn nuôi trâu bò tại các tỉnh miền núi khi gia cố, cải tạo chuồng trại với mức 2 triệu đồng/hộ.
Dự thảo cũng nêu rõ, các hộ chăn nuôi cần xây dựng các hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường, Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng với mỗi hầm được xây dựng đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm giống trong thời gian một tháng để có đủ kỹ năng chăn nuôi.
Các hợp tác xã, hiệp hội và hội đại diện cho các hộ chăn nuôi, giết mổ và chế biến các sản phẩm chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và chứng nhận sản phẩm chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, phát biểu tại Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (13/3), tại Hà Nội, cho biết: Cả nước có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi theo hình thức nông hộ, do đó chính sách hỗ trợ này rất được ngành chăn nuôi nói chung và các nông hộ nói riêng trông chờ.
Quyết định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020 được ban hành sẽ góp phần nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức của chăn nuôi nông hộ thời gian qua như: quy mô nhỏ, chưa an toàn về dịch bệnh, năng lực cạnh tranh còn thấp, ô nhiễm môi trường...
"Chính sách trên sẽ đổi mới diện mạo của ngành chăn nuôi, khi tạo được một nền tảng chăn nuôi an toàn và bền vững. Mặt khác, trong bối cảnh nước ta gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) sẽ góp phần tạo bước đệm cho ngành chăn nuôi trụ vững trên thị trường," ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng góp ý, việc ban hành chính sách cần làm rõ vấn đề nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ hướng đến phát triển theo hướng công nghiệp và chuyên nghiệp chứ không phải khuyến khích chăn nuôi nông hộ theo hướng nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.
Các văn bản hướng dẫn cũng cần đơn giản, dễ hiểu để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện, chính sách cần hướng đến hỗ trợ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.../.