Với mục đích giới thiệu tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 tỉnh Bình Thuận đã diễn ra sáng 19/4 tại thành phố Phan Thiết với sự tham dự của hơn 240 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, phát biểu chỉ đạo và kêu gọi với các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Bình Thuận.
Bên cạnh mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trọng điểm để khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh ở ba ngành chủ lực gồm nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp năng lượng tái tạo; du lịch có tầm quy mô lớn, Bình Thuận xác định Hội nghị là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư và là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại và quảng bá hình ảnh Bình Thuận.
Tiền đề thuận lợi để thu hút đầu tư
Được thiên nhiên ban tặng nhiều nắng, gió với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Bình Thuận có những tiền đề hết sức thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông-lâm -thủy sản, năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió), phát triển du lịch xanh, nhất là du lịch thể thao biển và chế biến khoáng sản.
Vùng đất này còn có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, nhất là diện tích 27.000ha cây thanh long, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn và nằm trong tốp đầu những địa phương có tiềm năng lớn nhất phát triển cây thanh long của cả nước.
Với 192km bờ biển, hải sản khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, Bình Thuận là một trong 4 ngư trường lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, Bình Thuận còn sở hữu trữ lượng quặng titan lên đến gần 600 triệu tấn (chiếm trên 92% trữ lượng cả nước).
Địa phương giàu tiềm năng này còn là Trung tâm năng lượng quốc gia với công suất theo quy hoạch trên 12.000 MW.
Nói đến Bình Thuận không thể không nhắc đến thương hiệu “thủ đô resort Mũi Né-Hòn Rơm” và nhiều địa danh nổi tiếng khác hàng năm tiếp đón trên 4,5 triệu khách du lịch (trong đó khoảng 10% là khách quốc tế).
[Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận coi phát triển doanh nghiệp là then chốt]
Với lợi thế về địa lý, tiềm năng và sự phát triển kinh tế nêu trên, đến nay, 1.281 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư tại Bình Thuận với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng; trong đó có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai khẳng định, tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển và luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với Bình Thuận.
Cần một tư duy, cách làm mới
Bày tỏ những ấn tượng về hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận với cách làm mới mẻ, hiệu quả và bổ ích, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh đến những tiềm năng của mảnh đất này qua những lợi thế so sánh mà ít nơi nào trên đất nước Việt Nam có được.
Đề cập đến điều kiện thiên nhiên ưu đãi với bãi biển dài 192km và nền văn hóa đa dạng, phong phú của Bình Thuận, chứa đựng nhiều điều bí ẩn còn chưa được khai phá hết, Thủ tướng tán thành với ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia và chính quyền địa phương về định hướng phát triển Bình Thuận vì một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững, vì sức khỏe con người, vì quyền lợi chính đáng của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội nghị đặt vấn đề thúc đẩy năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến, du lịch của Bình Thuận, vì sức khỏe cộng đồng hưởng ứng tinh thần COP 21, Thủ tướng nhận định đây là những góp ý rất có ích để các bộ, ngành và tỉnh Bình Thuận tiếp thu trong hoạch định chính sách kinh tế-xã hội của địa phương.
Thủ tướng cho rằng, những tiến bộ của Bình Thuận về mọi mặt nhất là về hạ tầng, xuất nhập khẩu, đào tạo nghề, môi trường đầu tư là tiền đề thuận lợi, tạo niềm tin mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Thuận.
Khẳng định vị trí chiến lược, tiềm năng to lớn của Bình Thuận, song Thủ tướng cũng đánh giá những lợi thế này chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Bình Thuận nằm gần vùng kinh tế động lực phía Nam của đất nước với thời tiết, khí hậu ôn hòa, ít gió bão, có trên 300 ngày nắng trong năm; không khí trong lành; lượng titan trữ lượng lớn, du lịch giàu tiềm năng. Bình Thuận là trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam; trung tâm du lịch quốc tế và khu vực; trung tâm chế biến sâu về titan mà nơi khác không thể có được, rất thuận lợi để phục vụ xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng kỳ vọng, các nhà đầu tư sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy Bình Thuận đi lên trong tương lai, góp phần biến chủ trương, định hướng thành hiện thực. Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bình Thuận cần có một tư duy đổi mới, cách làm mới để tiếp tục phát huy vốn đầu tư trong nước cũng như quốc tế.
Không để tình trạng chiếm bờ biển, chiếm đất đai
Đưa ra tầm nhìn cho Bình Thuận, Thủ tướng đề nghị tỉnh và các nhà đầu tư cần nâng cao chất lượng quy hoạch, coi đây là điều kiện thiết yếu của phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ rõ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các loại sản phẩm thế mạnh không được mâu thuẫn, không phá hoại và không triệt tiêu nhau; trong đó cần tăng cường và phối hợp với vùng kinh tế phía Nam và các tỉnh lân cận.
“Bình Thuận không phải là nơi diễn ra buôn bán bất động sản, chiếm bờ biển, chiếm đất đai,” Thủ tướng nói rõ và cho rằng cần minh bạch vấn đề này với tỉnh và các nhà đầu tư.
Khẳng định chủ trương của Đảng, Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa nguồn lực trong phát triển, nhất là hạ tầng, kinh tế xã hội đồng bộ chất lượng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần có cơ chế phù hợp thực hiện chủ trương này tốt hơn, mà chủ yếu là hình thức PPP.
Thủ tướng cung cấp thông tin, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ sẽ sớm triển khai một số dự án hạ tầng lớn tại Bình Thuận như đường cao tốc, đường ven biển, sân bay lưỡng dụng Phan Thiết.
Lưu ý Bình Thuận cần có cơ chế chính sách cụ thể thu hút, tôn vinh tất cả các nhà đầu tư đến với địa phương, song Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tập trung lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng để song hành lâu dài với tỉnh nhà trên mọi lĩnh vực.
Góp ý về định hướng xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận, Thủ tướng gợi mở cần tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng sạch bao gồm cả năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời. Tập trung vào du lịch-động lực phát triển của tỉnh, nhất là những mô hình khu du lịch liên hợp gắn liền với hoạt động vui chơi giải trí biển, khắc phục tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ.
Thủ tướng gợi ý Bình Thuận kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ du khách và xuất khẩu, bởi Bình Thuận là thủ phủ của cây thanh long; cùng với đó là các loại cây công nghiệp và một ngư trường lớn với thành tựu bước đầu trong nuôi trồng, phân phối tôm giống cho cả nước.
Nhắc đến một thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của tỉnh là nước mắm Phan Thiết, Thủ tướng đánh giá số lượng sản xuất còn hạn chế, cần phấn đấu mở rộng thị trường.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Bình Thuận cần chú ý nâng cao năng lực công nghiệp chế biến từ nông nghiệp và kinh tế biển để phát huy giá trị gia tăng từ những nguồn lực này.
Thủ tướng đề nghị Bình Thuận tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bởi đây là cội nguồn thành công của mọi dự án đầu tư. Thủ tướng giao chỉ tiêu cho Bình Thuận phấn đấu lọt vào tốp 20 trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa.
Trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở Bình Thuận, nói và làm đi liền với nhau.
Thủ tướng lưu ý chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư về vấn đề song hành giữa kinh tế và môi trường. “Bảo vệ môi trường luôn xanh, sạch để phát triển lâu dài ở Bình Thuận là rất quan trọng. Không vì quyền lợi kinh tế trước mắt mà chúng ta quên việc đảm bảo môi trường trong lành cho du khách, cho doanh nghiệp,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký Thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 83.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực định hướng, khuyến khích đầu tư của địa phương./.