Phát triển bền vững trên tinh thần 'không để ai bị bỏ lại phía sau'

Việt Nam khẳng định thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chiều 6/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự, phát biểu tại Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự kiện do Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Phiên họp Cấp cao có chủ đề về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian tới.

Châu Á-Thái Bình Dương còn chậm tiến triển trong các mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Sáng kiến đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia, châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

"Vì vậy, chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại," Phó Thủ tướng nhận định.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, theo số liệu gần đây của Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dưong (ESCAP), ước tính các quốc gia đang phát triển trong khu vực mỗi năm cần thêm khoảng 1,5 ngàn tỷ USD cho đầu tư, tương đương với 5% tổng GDP của các quốc gia này năm 2018. Riêng nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 900 tỷ USD.

"Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể trong đảm bảo nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này không chỉ hướng tới các giải pháp khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân trong xã hội, trong nước và ngoài nước, còn hướng tới việc sử dụng một cách có hiệu quả, đúng đắn, minh bạch và bền vững các nguồn lực công vốn đã rất hạn hẹp," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đối với Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt, trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.

"Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là một trong ba đột phá chiến lược (bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực), là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại," Phó Thủ tướng nêu rõ.

[Thụy Sĩ khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực]

Việt Nam khẳng định thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng.

Tăng cường huy động nguồn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.

Ưu tiên đầu tư công vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc các dự án không kêu gọi, thu hút được nhà đầu tư, trước mắt hoàn thành sớm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không quốc tế, các dự án tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.

Thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quá trình đầu tư, triển khai các dự án.

Phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau"

Về các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam coi đây là định hướng cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau."

Trong quản lý, điều hành, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; triển khai xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia với mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, các bộ, ngành của Việt Nam đã trình ban hành các văn bản theo thẩm quyền để cắt giảm 3.425 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công và 893,9 tỷ đồng/năm.

Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể (giảm 12.613 trên 82.700 mặt hàng) và đang tiếp tục được cắt giảm. Trong năm 2018, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cũng tăng đáng kể, trung bình ở mức 82,99%.

Phó Thủ tướng thể hiện tin tưởng các chuyên gia Việt Nam khi tham gia vào các phiên họp, phiên thảo luận của Hội nghị đã chia sẻ, chuyển tải thông điệp đến các bạn quốc tế, các đối tác phát triển về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, cùng đồng hành với các quốc gia trong khu vực, nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ; qua đó tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030.

Phó Thủ tướng giao cho Thanh tra Chính phủ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với OECD, ADB và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị này về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện trong thời gian tới.

Trước đó, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã diễn ra các sự kiện chính: Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh (BI); Cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công (PIN) lần thứ 3; Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23.

Sau Phiên họp Cấp cao, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục