Ngày 31/3, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung.”
Các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân vùng nuôi tôm hùm của năm tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận tham gia hội nghị đã tập trung phân tích những khó khăn trong nghề nuôi tôm hùm bằng lồng tại vùng duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra định hướng phát triển bền vững cho nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là thực hiện việc quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020; đầu tư nghiên cứu và nhập công nghệ sản xuất giống nhân tạo; phổ biến kịp thời các biện pháp phòng và điều trị bệnh cho tôm; ứng dụng công nghệ mới như nuôi tôm hùm trên bờ, trong bể ximăng; ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn tươi sống hiện nay; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi tôm hùm theo quy mô hàng hóa…
Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa đối với nghề nuôi tôm hùm các đại biểu cho rằng cần tập trung xây dựng thương hiệu tôm hùm cho các tỉnh duyên hải miền Trung gắn kết việc nuôi tôm với phát triển du lịch sinh thái…
Cũng tại diễn đàn này, gần 100 nông dân đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có buổi trao đổi kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm hùm với các nhà khoa học đến từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Viện Nuôi trồng thủy sản III; Đại học Nha Trang...
Theo ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục Thủy sản, hiện nay nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Số lượng lồng nuôi hiện nay có trên 43.000; sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 1.385 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Nghề nuôi tôm hùm đã đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm cho người dân./.