Ngành nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh những năm gần đây, trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ven biển và nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Tuy nhiên, ngành nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng, khiến "bài toán" phát triển kinh tế ngành tôm theo hướng bền vững vẫn còn bỏ ngỏ.
Phóng viên đã đề cập nội dung này qua chùm ba bài viết về chủ đề: "Phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long."
Bài 1: Nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó
Tuy nhiên, người nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm; trong đó biến đổi khí hậu, dịch bệnh và biến động thị trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh
Trong những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với các tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa nhiều, nước biển dâng... xảy ra bất thường và rộng khắp ở các tỉnh/thành phố trong vùng, nghiêm trọng nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ… làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển và ven biển, đặc biệt là con tôm.
Từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại; trong đó khoảng 2.239ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng...
Tại Kiên Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lê Hữu Toàn cho biết tính đến tháng 4/2023, tỉnh đã thả nuôi 125.713ha tôm nước lợ, đạt 91,4% kế hoạch 2023. Tuy nhiên, do tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường biến đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi nên mầm bệnh dễ tấn công gây ra dịch bệnh dẫn đến hơn 446 ha tôm nước lợ bị thiệt hại, trong đó có 308 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, hơn 137ha tôm bị thiệt hại do sốc môi trường. Bệnh đốm trắng do virus gây chết tôm chiếm gần 94% diện tích tôm bị nhiễm bệnh.
Tương tự, diện tích nuôi tôm tại Cà Mau bị ảnh hưởng do bệnh trên 1.100ha; trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh bị bệnh hơn 3ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến bị bệnh hơn 1.000ha, mức độ thiệt hại từ 50-85% diện tích tôm nuôi bị bệnh.
Tại Trà Vinh, từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 năm nay, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng những cơn mưa trái mùa đã làm biến động xấu môi trường nước trên các sông, trong ao nuôi, gây thiệt hại 4,7 triệu con tôm sú và hơn 22,6 triệu con tôm thẻ chân trắng nuôi của người dân.
Từ đầu năm đến nay, Sóc Trăng đã thả nuôi được 3.643ha tôm nước lợ, trong đó toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 20ha tôm nuôi thiệt hại.
Theo thạc sỹ Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch cao, ngày nắng, đêm lạnh, độ mặn thấp... là các yếu tố bất lợi khiến rủi do dịch bệnh trên tôm được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết được mệnh danh là “thủ phủ tôm” của cả nước, hiện nay toàn tỉnh Bạc Liêu thả nuôi tôm đạt 114.249ha. Diện tích tôm bị thiệt hại là 446ha, chiếm tỷ lệ trên 70%, chủ yếu ở giai đoạn từ 30-80 ngày tuổi.
[Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm]
Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng biển đổi khí hậu, dịch bệnh, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, việc phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập như việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh chưa được thực hiện nghiêm túc; nhiều ổ dịch nguy hiểm chưa được người nuôi báo cáo cho nhân viên thú y hoặc chính quyền địa phương.
Việc thu thập số liệu về thiệt hại, dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân thường không kịp thời và gặp rất nhiều khó khăn; số liệu thống kê, báo cáo về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm chưa sát với thực tế, không dựa trên kết quả xét nghiệm và kiểm tra hiện trường; hiện tượng người nuôi tôm không khai báo dịch và tự xử lý dịch bệnh theo kinh nghiệm bản thân hoặc theo tư vấn của các công ty/đại lý là khá phổ biến...
Biến động thị trường
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, dù hoạt động xuất khẩu đứng trong tốp đầu thế giới, ngành tôm vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ... còn thấp.
Đặc biệt, trên thị trường thế giới, giá tôm giảm dần từ cuối năm 2022 và dự kiến còn tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn.
Ở trong nước, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước khác, dẫn đến giá sản phẩm kém cạnh tranh trong khi tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với Ecuador và Ấn Độ. Điều này thể hiện rõ nét khi tính đến hết quý 1/2023, xuất khẩu tôm ước đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, ông Trương Đình Hoè cho biết, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 237 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tôm chiếm 37%; thị trường Nhật Bản đạt hơn 105 triệu USD giảm 29% so với cùng kỳ; thị trường EU đạt đạt 89 triệu USD giảm 44% so với cùng kỳ; thị trường Hàn Quốc đạt 78 triệu USD giảm 25% so với cùng kỳ…
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận định dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý 2/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Tuy nhiên, xu hướng chung trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì tiếp tục phải đối mặt với tình trạng lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia về giá.
Hiện, giá tôm của Việt Nam cao hơn từ 20.000-30.000 đồng/kg so với Ecuador, Ấn Độ. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn cao do giá vật tư đầu vào cao, nhưng quan trọng hơn do tỉ lệ thành công trong nuôi tôm còn thấp. Trong khi đó, năm 2023 Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp hai lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam.
Ở một góc độ khác, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Đình Luân cho biết theo quy luật, quý 1 hằng năm, các nước Nam bán cầu như Indonesia, Ecuador... bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, vụ nuôi tôm mới bắt đầu thả nuôi. Mặt khác, theo yêu cầu, tất cả lô hàng đều phải có truy xuất nguồn gốc nhưng việc cấp mã số cơ sở nuôi hiện đạt rất thấp.
Bên cạnh đó, vùng nuôi tôm diện tích rộng lớn nhưng phần nhiều là hộ nuôi tôm nhỏ lẻ; việc gom đất, xây dựng, đầu tư phát triển vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại là rất khó khăn do giá đất tăng cao và khó có diện tích đủ lớn như mong muốn; hoạt động thành lập các hợp tác xã nuôi tôm còn chậm.
Ngoài ra, dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học, theo tiến sỹ Trần Hữu Lộc (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh), việc nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn: tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất; tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng; quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan dẫn đến hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, môi trường nước ô nhiễm.
Thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp; các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý; việc áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn hạn chế./.
Đón đọc Bài 2: Tăng sức cạnh tranh cho ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long