Phát triển bền vững du lịch MICE: Cần cơ chế chính sách bài bản, đồng bộ

Để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho rằng toàn ngành cần xây dựng cơ chế chính sách phát triển bài bản, chuyên nghiệp loại hình này.
Đoàn du khách Ấn Độ tham quan Dinh Độc lập, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện) được coi là loại hình du lịch chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói Việt Nam, bởi những lợi ích kinh tế vượt trội mà loại hình này mang lại.

Mặc dù thời gian qua doanh nghiệp nước nhà đã có cơ hội “thử lửa” với MICE nhưng vẫn chưa gặt hái được thành công. Vậy cần lộ trình chiến lược thế nào từ cơ quan quản lý cũng như sự tham gia của doanh nghiệp ra sao để hoạt động MICE Việt Nam sớm “cất cánh”?

Cần cơ chế chính sách bài bản, đồng bộ

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định dẫu được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư, nhưng đến nay thị trường MICE nước nhà vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối hệ thống, chưa chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh còn thua kém một số nước trong khu vực. Do vậy, MICE chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của toàn ngành.

Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch MICE của Việt Nam cần phát triển ở cả thị trường du lịch quốc tế (inbound, outbound) và thị trường du lịch nội địa; ở cả quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, cần định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam, xây dựng điểm đến cho từng phân khúc, kết nối các doanh nghiệp du lịch-doanh nghiệp tổ chức sự kiện-doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhằm tạo hệ sinh thái phát triển cho du lịch MICE.

Đồng quan điểm, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng: “Với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta có đủ điều kiện để phát triển MICE. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa định vị được điểm đến, không có kế hoạch truyền thông, xúc tiến điểm đến…”

Các doanh nghiệp kết nối tại sự kiện MICE EXPO 2024. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ông Phạm Hà đưa ra ví dụ Thái Lan làm bài học. Quốc gia này phát triển rất tốt du lịch MICE, tạo được dấu ấn với quốc tế khi có Chính phủ hậu thuẫn, có kế hoạch phát triển chuyên nghiệp, bài bản và đặc biệt luôn truyền thông đúng đối tượng.

Trong khi đó, MICE ở Việt Nam được đánh giá có chi phí khá rẻ, dịch vụ ổn định. Quý I/2024, doanh thu và lượng khách du lịch MICE đến Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm khoảng 60-70% lượng khách hiện tại.

Để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ngành du lịch cần có cơ chế chính sách phát triển bài bản, chuyên nghiệp loại hình này; xây dựng các sản phẩm đặc thù; đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, các đơn vị du lịch cũng như xúc tiến quốc tế; xây dựng trung tâm tổ chức sự kiện quy mô lớn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp.

Nhà đầu tư cam kết phát triển MICE bền vững

Là một trong số các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào cơ sở vật chất và hạ tầng, đặc biệt là công nghệ tiên tiến để phục vụ các sự kiện MICE quy mô lớn, Giám đốc Kinh doanh Vinpearl Lương Thị Phương cho biết hiện các điểm đến của Vinpearl đã đạt đến mức độ khai thác lý tưởng. “Tại Nha Trang, chúng tôi đã gần như khai thác tối đa công suất vào mùa cao điểm. Vì thế, để vươn xa hơn, việc đầu tư vào các dịch vụ cao cấp như MICE là hướng đi chiến lược của chúng tôi,” bà Lương Thị Phương khẳng định.

Theo đại diện Vinpearl, doanh nghiệp này hiện có Trung tâm Hội nghị Almaz ở Hà Nội với khả năng đón tiếp tới 2.500 khách, nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện lớn như họp báo quốc tế cho giải đua xe F1 Vietnam Grand Prix 2023. Trung tâm hội nghị Vinpearl Convention Center ngay trên đảo Hòn Tre của Nha Trang cũng có sức chứa 2.500 khách; đặc biệt khu nhà hát lớn còn đủ sức chứa 1.500 khách, đã từng đón nhiều nghệ sỹ hàng đầu tới biểu diễn.

Khách đoàn bắt đầu hành trình trải nghiệm Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Tại Phú Quốc, Vinpearl cũng sở hữu trung tâm hội nghị và nhà hát với khả năng đón tiếp hơn 1.000 khách. Hệ thống các phòng họp và ballroom của Vinpearl có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, từ những buổi họp chỉ 10 người đến các hội nghị hay buổi tiệc tùng lớn lên đến 800 khách. Những địa điểm như Hạ Long, Nam Hội An, Nha Trang và Phú Quốc đều được đầu tư mạnh để phục vụ cho các sự kiện MICE,” bà Phương cho hay.

Được biết, chiến lược phát triển của Vinpearl trong tương lai sẽ tập trung vào 2 hướng chính: phát triển sản phẩm “MICE Inclusive” (cung cấp trọn gói dịch vụ từ thiết kế ý tưởng, hậu cần, lưu trú đến tổ chức các hoạt động hội nghị trong nhà và ngoài trời); xây dựng các sản phẩm MICE cá nhân hóa, dựa trên nhu cầu và mong muốn cụ thể của khách hàng.

Ví dụ về sản phẩm MICE cá nhân hóa, Giám đốc Kinh doanh Vinpearl cho biết tháng 4/2025, Vinpearl sẽ đón đoàn 1.000 khách từ Australia đến dự một sự kiện có giá trị lên tới 20 tỷ đồng, đảm bảo khách hàng sẽ được trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp, từ khám phá vùng Bắc đảo Phú Quốc đến các hoạt động trải nghiệm khác.

Góp phần vào sự phát triển du lịch quốc tế của Việt Nam, Vinpearl đã và đang hợp tác với các thị trường lớn như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và sắp tới sẽ đón tiếp thêm các đoàn khách từ Mông Cổ, Ba Lan.

Để đạt mục tiêu phát triển du lịch MICE bền vững, Vinpearl không chỉ đầu tư vào hạ tầng, mà còn chú trọng đồng hành cùng các cơ quan xúc tiến du lịch, các sở, ban, ngành địa phương để quảng bá hình ảnh điểm đến. Như vừa qua, Vinpearl cùng với Cục Du lịch Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch tại Mỹ.

Du khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và các sản phẩm dịch vụ MICE hiện đại, đại diện Vinpearl cam kết sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch MICE Việt Nam nói chung, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế./.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định Chiến lược phát triển sản phẩm giai đoạn 2025-2030: Hoàn thiện phát triển và định vị toàn bộ hệ thống sản phẩm du lịch MICE, du lịch đô thị gắn với các hoạt động giải trí, trình diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục