​Phát triển bền vững các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hàng loạt đặc sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước - đã và đang được các địa phương đẩy mạnh việc xúc tiến, xây dựng và định vị thương hiệu.
​Phát triển bền vững các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Gian hàng bưởi da xanh Bến Tre tại một triển lãm. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc xây dựng, phát triển các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn nhận dưới khía cạnh quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng.

Việc làm này vừa góp phần quảng bá, gia tăng giá trị của sản phẩm, vừa thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Khẳng định, tạo giá trị gia tăng cho nhiều sản phẩm

 Thương hiệu, theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay tổ chức.

Thương hiệu định vị trong tâm trí người tiêu dùng về giá trị cốt lõi của một sản phẩm, dịch vụ gắn liền với một doanh nghiệp, địa phương hay một vùng miền hoặc cả một quốc gia.

Với cách tiếp cận như vậy, có thể thấy hàng loạt đặc sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước - đã và đang được các địa phương đẩy mạnh việc xúc tiến, xây dựng và định vị thương hiệu trên thị trường trong nước, quốc tế.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản của địa phương mình.

Chính phủ, các bộ, ngành trong Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ (giao Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan quản lý) đã thúc đẩy thực hiện nhiều hoạt động xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị và từng bước khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long đã có những thương hiệu đặc sản như nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đã đăng ký Chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc Cộng đồng châu Âu; xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga hay đặc sản vú sữa Lò Rèn-Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) có giá bán tăng hơn đến 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể…

Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000km2, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, đây không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước, mà còn là nơi nổi tiếng có nhiều đặc sản địa phương. Bến Tre có bưởi da xanh, dừa, sầu riêng Cái Mơn; Tiền Giang có xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn-Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công; Đồng Tháp có xoài cát chu Cao Lãnh; Sóc Trăng có gạo thơm ST; Long An có gạo nàng thơm Chợ Đào; Bạc Liêu có gạo một bụi đỏ Hồng Dân; Hậu Giang có khóm (dứa, thơm) Cầu Đúc; An Giang có mắm Châu Đốc; Kiên Giang có nước mắm Phú Quốc; Cà Mau có cua Năm Căn, mật ong rừng U Minh Hạ...

[Đặc sản trái măng cụt Lái Thiêu tăng giá trong mùa dịch]

Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi có đặc sản.

Là chủ một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh các đặc sản của xứ dừa Bến Tre, ông Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dừa Bến Tre chia sẻ xây dựng, phát triển thương hiệu không đơn giản chỉ là một cái tên, mà còn là sự nhận biết sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.

Nắm bắt lợi thế từ vùng nguyên liệu trên 70.000ha dừa của Bến Tre, Công ty cổ phần đầu tư Dừa Bến Tre xác định chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trên thị trường.

Doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại nhằm chế biến trái dừa thành những sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu, Mỹ, góp phần tạo giá trị gia tăng cho thương hiệu cây dừa Bến Tre từ các sản phẩm chế biến sâu.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ thiết kế, màu sắc, đến bố cục của logo, bao bì đều được công ty chuẩn hóa, công ty đã tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu không chỉ ở trong nước mà cả ở Mỹ và Trung Quốc.

Quyền sở hữu trí tuệ cũng được coi là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam và đăng ký sở hữu trí tuệ là một biện pháp bảo vệ loại tài sản vô hình này.

Cần đồng bộ các giải pháp

 Tuy đã đạt được nhiều kết quả song hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thương hiệu mang tính tập thể hay tính cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng việc xây dựng và phát triển thương hiệu chủ yếu vẫn dựa trên sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và thường dừng lại ở công việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Đây mới chỉ là công cụ pháp lý làm tiền đề cho xây dựng thương hiệu, chứ chưa thật sự quản lý, khai thác và phát triển có hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng cao, định vị bền vững thương hiệu đặc sản địa phương trong tâm trí người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận sử dụng cho các sản phẩm đặc sản địa phương là các tài sản trí tuệ quan trọng, được coi là các tài sản mang tính tập thể, tài sản chung của cộng đồng.

Vì thế, việc quản lý, khai thác và nâng tầm thương hiệu của sản phẩm cần có sự quyết tâm, chung sức nhiều hơn của các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm địa phương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong, Đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt là các tỉnh An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp, muốn phát triển sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định được thương hiệu, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển và "thế giới phẳng" như hiện nay.

Còn theo ông Trần Giang Khuê, đối với việc xây dựng thương hiệu cũng như bảo đảm tính bền vững cho thương hiệu các đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu.

Đồng thời, cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới cả hai góc độ là tài sản riêng của doanh nghiệp và tài sản chung của cộng đồng, của địa phương, vùng miền để gắn kết hài hòa giữa lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh và lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, của địa phương, thì đặc sản mang thương hiệu địa phương mới phát triển nhanh và bền vững.

Về phía các cơ quan nhà nước, cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các đặc sản địa phương; đặc biệt là quy định về quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý và các quy định về các biểu tượng chung cho đặc sản (ví dụ biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia, biểu tượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay của từng địa phương).

​Phát triển bền vững các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Áp dụng kỹ thuật bao trái xoài cát Hòa Lộc tại vùng chuyên canh huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Các nhà sản xuất, kinh doanh muốn sản phẩm, dịch vụ của họ được mang biểu tượng chung, cần bảo đảm các tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc (được quy định trong quy chế sử dụng biểu tượng) và phải được cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận là đã tuân thủ các quy định, các điều kiện trong quy chế.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể - đại diện cho quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương - để quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu chung của địa phương, vùng miền; đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là cho đặc sản địa phương nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng; giúp các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản có thể yên tâm đầu tư, sản suất, kinh doanh, tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể làm giảm uy tín thương hiệu đặc sản địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty chế biến sản phẩm dừa Cửu Long đề xuất thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản cần được xây dựng, gìn giữ và phát triển để gia tăng giá trị niềm tin của khách hàng.

Địa phương cần quan tâm hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của tỉnh để đăng ký ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ sử dụng thương hiệu này (với tên riêng của công ty) để đưa sản phẩm đặc sản của tỉnh ra thị trường quốc tế đạt hiệu quả cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục