Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, phương thức phát tán tin nhắn rác ngày càng chuyên nghiệp và cần có phải xử điểm một số hành để răn đe các đối tượng.
Tin rác gia tăng vào dịp lễ tết
Tại một cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, đại diện VNCERT cho hay, dù tin nhắn rác giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn tồn tại phổ biến và gia tăng khi có các chương trình khuyến mại của nhà mạng hoặc vào dịp lễ tết. Bên cạnh đó, phương thức phát tán ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, đầu tư bài bản.
[Bốn doanh nghiệp bị xử phạt nặng vì phát tán tin nhắn rác]
Theo đại diện VNCERT, trước đây nội dung tin nhắn hầu hết là lừa đảo, dụ dỗ người dùng sử dụng dịch vụ có thu cước nhưng được quảng cáo dưới hình thức mập mờ giá cước, miễn phí hoặc với mức cước thấp hơn thu thực tế; lừa đảo nặp tiền… Hiện nay, nhiều tin nhắn bị phản ánh là tin quảng cáo thông thường như bất động sản, SIM số đẹp, hàng hóa tiêu dùng, show ca nhạc, tín dụng…
“Các đối tượng phát tán tin nhắn rác cũng liên tục thay đổi phương thức phát tán, tần suất, từ khóa trong nội dung tin nhắn nhằm thoát khỏi sự phát hiện của hệ thống kỹ thuật của nhà mạng, khiến công tác phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn,” phía VNCERT cho hay.
Số liệu phản ánh tin nhắn rác qua đầu số 456 của nhà chức trách cho thấy, năm 2016 đầu số này nhận được 539.768 phản ánh; năm 2017 là 60.014 phản ánh và năm 2018 (tính tới 9/3) là 13.889 phản ánh.
Phía cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết ba nhà mạng lớn (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đều có hệ thống kỹ thuật chặn, lọc tin thông minh và xử lý được theo các mẫu tin nhắn rác và tần suất linh hoạt (năng lực Viettel là 23.000 SMS/s, VinaPhone là 3.300 SMS/s, MobiFone là 14.000 SMS/s)…
Cụ thể hơn, từ năm 2016 tới tháng 31/3/2018, Viettel chặn được gần 226 triệu, Vinaphone chặn gần 214 triệu tin, MobiFone chặn gần 284 triệu, Vietnamobile chặn gần 47 triệu và Gtel chặn gần 478.000 tin nhắn rác.
Xử điểm để răn đe
Thực tế cho thấy, năm 2017, nhà chức trách đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tin nhắn rác như doanh nghiệp ký cam kết và triển khai chiến dịch thu hồi SIM kích hoạt sẵn; ký kết và triển khai phối hợp tăng cường chặn tin rác giữa các doanh nghiệp (từ tháng 5/2017 đến 3/2018 đa chặn được gần 267 triệu tin).
Nhờ đó, số lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 của năm 2017 đã giảm khoảng 86% so với năm 2016 (tương ứng năm 2017 là 60.014 và 2016 là 539.768 phản ánh); tin nhắn rác được nhà mạng chặn năm 2017 cũng giảm 40% so năm 2016 (khoảng hơn 318 triệu năm 2016 và 542 triệu tin nhắn rác năm 2017).
[SIM rác bị “trảm” khiến tổng số thuê bao điện thoại di động giảm]
Nhận định tin nhắn rác sẽ luôn tồn tại, không thể chặn triệt để mà chỉ áp dụng nhiều biện pháp để giảm dần, phía VNCERT đề nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh phối hợp, tăng cường tin nhắn rác giữa các doanh nghiệp viễn thông; thúc đẩy nhà mạng cải tiến hệ thống kỹ thuật dựa trên công nghệ mới, thuật toán thông minh để nâng cao khả năng nhận biết tin nhắn rác; xây dựng hệ thống cho phép người dùng chủ động chặn lọc tin nhắn rác theo nguồn gửi và nội dung…
Hiện nay tin nhắn rác về dịch vụ nội dung chiếm tỷ trọng khoảng 30%. Do đó, phía VNCERT cho rằng cần phải đẩy mạnh hành lang pháp lý cho dịch vụ nội dung trên mạng di động; yêu cầu doanh nghiệp nội dung, di động triển khai các biện pháp để bảo đảm người dùng có đủ thông tin về dịch vụ trước khi quyết định sử dụng (như giá cước, cách trừ cước, cách sử dụng…)
Cùng lúc, nhà chức trách sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, lừa đảo và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Ngoài xử phạt, cần cắt, thu hồi đầu số với những trường hợp tái phạm; phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý các đối tượng lợi dụng tin rác để lửa đảo người dùng…
Phía VNCERT cũng kiến nghị phải xử điểm một số hành vi như sử dụng dịch vụ quảng cáo bất hợp pháp; mua bán thông tin cá nhân; gửi tin nhắn quảng cáo mà chưa được sự đồng ý của người dùng… để răn đe các đối tượng./.