Theo bài viết trên tờ The Wall Street Journal, Mỹ và Trung Quốc đã sẵn sàng từ đêm 5/7 (giờ Bờ Đông nước Mỹ) bắt đầu áp thuế đối với số hàng hóa xuất khẩu trị giá 34 tỷ USD của mỗi bên, mở màn "phát súng" đầu tiên cho cuộc chiến thương mại mà cả hai bên có vẻ quyết tâm duy trì trong những tháng tới, nếu không nói là trong những năm tới.
Học giả về Trung Quốc của Viện Brookings là David Dollar, cựu quan chức chóp bu của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài chí ít là sang năm 2019 vì nền kinh tế mạnh giúp Mỹ ít có khả năng phải chịu bất kỳ áp lực kinh tế nào từ cuộc chiến thương mại này trong thời gian trước mắt.
Theo Dollar, lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nữa của Trumg Quốc sẽ không thể có hiệu lực trước cuối mùa thu năm nay do Mỹ phải xử lý một số quy định về thủ tục.
Cựu trưởng nhóm chiến lược của Nhà Trắng Steve Bannon, người vẫn tham gia tư vấn cho các quan chức chính quyền, nói: "Đây là một ngày lịch sử. Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh thương mại với chúng ta suốt 20 năm qua, và giờ đây đã có người vùng lên đáp trả".
Trên thực tế, Mỹ đã và đang tiến hành cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ thời Đại Suy thoái, với những đe dọa áp thuế quan bổ sung nhằm vào Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Chad Bown, chuyên gia mậu dịch của Viện Thương mại Quốc tế Peterson, cho biết kể từ đầu năm 2018, Mỹ và các đối tác mậu dịch đã áp thuế đối với tổng cộng 165 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh những mức thuế quan mới nhằm vào Trung Quốc, con số trên còn bao gồm thuế quan của Mỹ đối với máy giặt, pin năng lượng Mặt trời, nhôm và thép của nước ngoài.
Sử gia về thương mại của Viện Dartmouth là Douglas Irwin nói: "Đây là đợt áp thuế lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ và ảnh hưởng tới ngành thương mại của Mỹ nhiều nhất kể từ thời Smoot-Hawley,” ám chỉ đến những mức thuế quan hồi năm 1930 mà nhiều nhà kinh tế cho là thủ phạm khiến cuộc Đại suy thoái càng thêm tồi tệ.
[Không có người thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]
Những cuộc chiến thuế quan trong quá khứ đều nhỏ so với cuộc chiến mà D. Trump phát động hiện giờ. Đợt áp thuế nhập khẩu năm 1971 của Tổng thống Nixon chỉ kéo dài có 4 tháng.
Cuộc chiến thuế quan của Ronald Reagan nhằm vào Nhật Bản và cuộc chiến của George H.W. Bush nhằm vào ngành nông nghiệp châu Âu bao gồm thuế quan đối với số hàng hóa trị giá vài trăm triệu USD và sau đó đều được dàn xếp nhanh chóng.
Đơn cử như dưới thời Reagan và Bush, Nhật Bản đã đồng ý hạn chế lượng xuất khẩu ôtô và hàng dệt may sang Mỹ, đồng thời mua thêm hàng bán dẫn của Mỹ. Tokyo chưa bao giờ trả đũa các thuế quan của Mỹ như Bắc Kinh chuẩn bị tiến hành.
Mỹ và Trung Quốc thực ra cũng đã chìa ra cho nhau vài "cành ô liu" nhỏ nhoi, mặc dù không hề có dấu hiệu sắp đạt được sự khai thông. Tổng thống Trump đã "tha bổng" cho đại gia viễn thông của Trung Quốc ZTE Corp, dù công ty này bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Triều Tiên.
Ông đã giúp đảo ngược phán quyết của Bộ Thương mại nhằm cản trở các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho ZTE và đấu tranh để ngăn cản Quốc hội điều tra thương vụ này.
Ông cũng rút lời đe dọa áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc cũng như hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc.
Bên phía Trung Quốc, chính phủ đã tránh thổi bùng làn sóng dân tộc chủ nghĩa hay vận động người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Mỹ, như họ từng làm với các quốc gia khác, chẳng hạn như Hàn Quốc.
Theo các nhà báo Trung Quốc, chính phủ đã chỉ thị báo chí nhà nước không thổi phồng tin tức về chiến tranh thương mại hay tác động của cuộc chiến này.
Một quan chức Trung Quốc nói: "Chúng tôi buộc phải đáp trả những thuế quan của Mỹ, và chúng tôi làm điều này một cách thận trọng."
Theo các chuyên gia Trung Quốc, hai bên có khả năng bắt đầu đàm phán trở lại khi bắt đầu cảm nhận được những tác động của các khoản thuế quan và các thị trường có phản ứng.
Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump đang theo dõi chặt chẽ tác động mà những quyết định của ông gây ra đối với các thị trường Mỹ.
Rufus Yerxa - nhà đàm phán thương mại dưới thời các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ, và hiện là người đứng đầu Hội đồng Ngoại thương Quốc gia - dự đoán: "Cuộc chiến mậu dịch sẽ chấm dứt khi ông Trump nhận ra những thiệt hại và Mỹ phải thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết khi nào thì nó sẽ chấm dứt."
Ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, theo quan điểm của Bắc Kinh, vẫn khó có thể xác định được gói mậu dịch nào làm "vừa lòng" chính quyền Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề thương mại.
Phe do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu muốn Trung Quốc tăng mạnh lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, nghĩa là Bắc Kinh phải nới lỏng những hạn chế đối với hàng nông sản, phim ảnh và một số mặt hàng khác của Mỹ.
Tuy nhiên, phe kia - do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu - lại hoài nghi những lời hứa nhập khẩu của Trung Quốc.
Họ muốn Bắc Kinh từ bỏ chương trình phát triển ngành công nghiệp "Sản xuất tại Trung Quốc." Phe này không tin là Trung Quốc sẽ có những thay đổi thực sự, do đó cho rằng cần phải duy trì thuế quan trong vài năm tới để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ.
Hiện các quan chức Trung Quốc nói họ tin rằng ông Trump chưa đánh giá được hết kế hoạch mà phái viên Trung Quốc Liu He đưa ra hồi tháng 2, trong đó bao gồm các khoản giảm thuế quan, các thỏa thuận thương mại, tự do hóa khu vực tài chính và kế hoạch ký kết một hiệp định tự do mậu dịch song phương.
Phía Mỹ cũng thiếu ấn tượng trước kế hoạch đến mức Liu He không thể đặt lịch được một cuộc gặp trực tiếp với ông Trump.
Học giả về Trung Quốc của trường Đại học Cornell là Eswar Prasad, người thường xuyên trao đổi với các quan chức Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đang hướng tới việc sắp xếp lại những đề nghị nêu trên theo cách trở nên hấp dẫn hơn đối với D. Trump, người thường xuyên yêu cầu Trung Quốc giảm bớt 200 tỷ USD xuất siêu với Mỹ./.