Phát minh thành công robot siêu nhỏ có thể bơi trong mạch máu

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc vừa phát triển được những robot siêu nhỏ có khả năng di chuyển bên trong mạch máu của con người.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Sputnik)

Theo Sputnik, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc vừa phát triển được những robot siêu nhỏ có khả năng di chuyển bên trong mạch máu của con người.

Những "kình ngư" siêu nhỏ này đủ nhanh và khỏe để bơi vượt qua những chất lỏng có độ nhớt như máu và mang thuốc vào cơ thể.

Các robot nano được điều khiển bởi một từ trường bên ngoài và có thể bơi về phía trước với tốc độ 10 micromet một giây.

Nghiên cứu này đã được đăng trên nhật báo Nano Letters, trong đó nhà khoa học Tianlong Li và các cộng sự giải thích công nghệ đằng sau phát minh.

Các nhà khoa học đã từ lâu tham gia vào việc phát triển các thiết bị để đưa các loại thuốc tới những cơ quan nội tạng cụ thể một cách có chủ đích.

Phát minh này giúp cung cấp chính xác liều lượng thuốc mà không có sự dư thừa nào có thể dẫn đến các tác dụng phụ gây tổn hại lên các cơ quan khác.

Trước đây, nhiều loại vật chứa siêu nhỏ, thuốc dạng in 3D, robot, hay các tế bào sống được điều chỉnh như tinh trùng đã được sử dụng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc đã quyết định dùng robot siêu nhỏ có thể nổi trong máu hay các loại dịch khác. Những robot này gồm ba phần: phần trung tâm, làm bằng vàng, và hai "tay" bằng niken gắn với phần trung tâm bằng các "bản lề" bạc rỗng.

Robot được điều khiển bởi một từ trường biến đổi ở bên ngoài. Do thực tế là từ trường liên tục biến đổi, robot cử động hai "tay" và đẩy mình tiến về phía trước.

"Để đưa thuốc có chủ đích vào cơ thể mà không dùng các thủ thuật xâm lấn, những robot nano biết bơi này có thể được phủ thuốc ra ngoài và tiêm vào máu, ở đó quỹ đạo của chúng có thể được điều hướng bởi các từ trường bên ngoài," tờ New Scientist đưa tin.

Để sử dụng những robot như vậy trong mạch máu, chúng cần được làm từ những vật liệu tương thích sinh học. Để sử dụng chúng tại những khu vực ít phức tạp hơn trong cơ thể người, như đường tiết niệu hay mắt, các thử nghiệm lâm sàng có thể được khởi động trong vòng 5-10 năm tới.

Năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã giới thiệu một robot tương thích sinh học dạng gấp giấy origami, cũng được điều khiển bằng một từ trường bên ngoài. Với sự giúp đỡ của một robot như vậy, họ đã lấy ra được một cục pin từ một dạ dày làm mẫu.

Tương tự, các nhà khoa học ở Mỹ đã tạo ra một thiết bị cấy ghép vạn năng để phát tán thuốc tại một điểm cho sẵn trong cơ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục