Lấy cảm hứng từ loài kiến sa mạc, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Aix-Marseille đã phát minh một loại robot thế hệ mới, mang tên AntBot, có thể di chuyển mà không cần đến hệ thống định vị (GPS).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Robotics ngày 13/2 cho biết AntBot nặng 2,3kg, có 6 chân, giúp nó di chuyển nhanh nhẹn trong các môi trường phức tạp mà các loại robot di chuyển bằng bánh và thiết bị bay không người lái không thể triển khai được.
[Mega Story] Sự trỗi dậy của phóng viên robot
AntBot được trang bị một la bàn quang học nhạy với tia cực tím và một bộ phận cảm biến di chuyển quang học để đo khoảng cách.
AntBot có khả năng định hướng chính xác tới 0,4 độ trong mọi điều kiện thời tiết, quang đãng hay âm u.
Ngoài ra, giống như loài kiến sa mạc, AntBot còn có thể khám phá những môi trường lạ với độ chính xác lên tới 1cm sau khi di chuyển trên quãng đường dài 14m.
Kiến sa mạc là loài vật có thể di chuyển hàng trăm mét dưới ánh nắng trực tiếp, sau đó có thể đi thẳng về tổ của mình. Chúng sử dụng ánh sáng phân cực để định hướng và tính toán số bước để xác định khoảng cách. Nhờ kết hợp hai thông tin trên, chúng có thể trở về tổ của mình mà không lạc đường./.