Phát lộ lò gia công và chế tác đồ sắt thời cổ đại ở Trung Quốc

Tàn tích của lò gia công đồ sắt được tìm thấy tại khu di tích Guantian ở huyện Sangzhi (Trung Quốc), các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật di chỉ có diện tích khoảng 75.000m2 này từ năm 2020 đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: brewminate.com)

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một lò gia công và chế tác đồ sắt cổ đại có từ thời triều đại nhà Hán và nhà Tấn (202 trước Công nguyên-420 sau Công nguyên) ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc.

Trong thông báo ngày 28/8, Viện nghiên cứu Khảo cổ học và Di tích văn hóa tỉnh Hồ Nam cho biết tàn tích của xưởng được tìm thấy tại khu di tích Guantian thuộc huyện Sangzhi. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật di chỉ có diện tích khoảng 75.000m2 này từ năm 2020 đến năm 2022.

Cho đến nay, khoảng 3.300m2 của khu vực đã được khai quật, phát lộ các đồ vật bằng sắt gồm dao và các di vật luyện kim như thỏi đồng. Phần chính của địa điểm là xưởng sản xuất và chế tác đồ sắt tích hợp nhiều chức năng như nấu chảy, đúc và rèn sắt.

[Phát hiện di tích lò nung khử carbon trong gang từ thời Chiến Quốc]

Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy nhiều tàn tích được cho là của các lò luyện kim, gồm cả lò hầm mộ hình vuông và lò nung đá hình tròn. Theo các chuyên gia, những cổ vật này rất độc đáo về hình thức và mang đậm chất địa phương, đã giúp lấp đầy những khoảng trống trong nghiên cứu chế tác sắt thời cổ đại.

Hiện nhiều lò luyện kim quan trọng và được bảo tồn tốt của các triều đại Hán và Tấn trên toàn quốc được các nhà khảo cổ tìm thấy ở các vùng đồng bằng miền Trung hoặc miền Bắc Trung Quốc. Việc phát hiện ra một địa điểm chế tác đồ sắt quy mô lớn như vậy ở Hồ Nam có giá trị khảo cổ học rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục