Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản do diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, sáng 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình và Hải Dương đã phát lệnh báo động trên các sông.
Thái Bình đề phòng vỡ đê đột ngột
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình ra lệnh báo động số II trên sông Trà Lý, số I trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tất cả huyện, thành phố, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình chỉ đạo thực hiện việc tuần tra, canh gác đê, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, các đoạn đê có địa chất xấu, các vị trí có ao đầm sát chân đê theo phương châm “4 tại chỗ.”
Các địa phương kiên quyết giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông gây cản trở thoát lũ, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, hoa màu, hàng hóa và tài sản ngoài bãi sông, các công trình đang thi công trên sông, ven sông. Các địa phương khẩn trương thu hoạch cây trồng, vật nuôi khu vực bãi thấp ven sông, cửa sông ven biển đến kỳ thu hoạch, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ hồ chứa gây ra.
Các địa phương chủ động triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê, đặc biệt khu vực hạ du, cửa sông, ven biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng lũ kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối. Tại sông Trà Lý, nếu xét thấy khả năng không an toàn, địa phương phải chủ động cho nước vào đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ 0 giờ đến 6 giờ ngày 10/9 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa các nơi phổ biến từ 50-130 mm, có nơi cao hơn. Trong đêm qua, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Thái Bình đã ngập úng, nước tràn vào nhà dân.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, dự báo trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Nguy cơ cao ngập úng vùng trũng, thấp tại nhiều nơi. Hiện, mực nước các sông đang lên nhanh, lúc 7 giờ ngày 10/9 tại trạm Tiến Đức (sông Hồng) là 5,25 m (thấp hơn báo động II 0,35 m); trạm Triều Dương (sông Luộc) là 5,00 m (cao hơn báo động I 0,10m). Cảnh báo mực nước tiếp tục lên gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng, thấp, khu vực ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Bảo vệ tài sản ngoài bãi sông ở Hải Dương
Sáng 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số II trên hệ thống sông Thái Bình.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương, từ ngày 9-11/9 trên các sông khu vực thượng lưu tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Mực nước sông Thái Bình sẽ tiếp tục lên vượt mức báo động II và có thể tiếp tục lên. Đến 6 giờ ngày 10/9, mực nước thực đo trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,02m (cao hơn mức báo động II là 0,02m).
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, các cấp, ngành triển khai lực lượng tuần tra đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè ngay từ giờ đầu.
Chính quyền các địa phương thực hiện cảnh báo đến tất cả cấp và người dân để chủ động phòng, tránh; di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để đảm bảo an toàn.
Người dân cần thu hoạch ngay các sản phẩm nông nghiệp ngoài bãi sông đã đến kỳ thu hoạch. Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông, chính quyền Hải Dương đề nghị thu hoạch ngay cá nuôi, di chuyển các lồng về nơi an toàn; nếu không di chuyển được thì phải gia cố, đảm bảo an toàn cho lồng bè.
Chính quyền các địa phương và người dân triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông; giải tỏa các bến bãi vật liệu xây dựng, kinh doanh than, đóng tàu, các vật cản khác ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn, thoát lũ sông.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm; theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, nhất là các vị trí xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để xử lý ngay mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình.
Các lực lượng chức năng thực hiện cấm tất cả phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ; thực hiện phát quang mái đê, mặt đê để kịp thời phát hiện các sự cố rò rỉ, hư hỏng. Lực lượng chức năng thực hiện đóng kín các cống dưới đê.
Hải Dương hiện có 267 điếm canh đê thì trên hệ thống sông Thái Bình có 243 điếm, khoảng cách giữa các điếm canh đê từ 1-2km. Ở cấp báo động I, lực lượng chức năng duy trì ngày 2 người và đêm 4 người canh gác, tuần tra đê; báo động II thì ngày 4 người và đêm 6 người; báo động III, ngày 6 người và đêm 12 người.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình, không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương, từ sáng 10/9 đến chiều 11/9, lượng mưa phổ biến trên địa bàn từ 80-150mm. Mưa lớn có thể dẫn đến sạt lở ở các vùng núi như Chí Linh, Kinh Môn, gây quá tải hệ thống thoát nước đô thị dẫn đến ngập úng…/.
Tỉnh Thái Bình tiêu úng, phục hồi kịp thời hơn 11.000 ha lúa mùa
Bão số 3 sau khi đổ bộ vào đất liền đã gây nhiều thiệt hại cho Thái Bình, khoảng 18.000 ha lúa bị ngập úng, diện tích thiệt hại trên 30% khoảng 6.000 ha.