Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Italy từ ngày 16-17/10.
Thủ tướng là một trong ba Lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại Phiên toàn thể về các vấn đề toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng là một trong ba Lãnh đạo cấp cao châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á-Âu trong khuôn khổ Diễn đoàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEM…
Dịp ASEM 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên ASEM.
Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (Asia - Europe Meeting, gọi tắt là ASEM) thành lập năm 1996 theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng.”
Qua năm lần mở rộng, ASEM không ngừng lớn mạnh, tăng hơn gấp đôi số lượng thành viên (từ 26 lên 53 thành viên), trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 12 nước G20, bốn nước có nền kinh tế mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. ASEM chiếm khoảng 63% dân số thế giới, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. ASEM tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nước (Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đang vận động để gia nhập).
Tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp và khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giảm phát và thất nghiệp cao kéo dài tại khu vực đồng Euro. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm tốc.
Hợp tác liên kết kinh tế và hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới được nhiều nước thúc đẩy.
Trước tình hình đó, ASEM tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, được các thành viên coi trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hội nghị Cấp cao ASEM 10 có chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững.” Hội nghị sẽ tập trung thảo luận bốn nội dung chính gồm: Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á-Âu; Các vấn đề toàn cầu; Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; Định hướng tương lai ASEM.
Trước thềm Hội nghị, tại Hà Nội, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen đã chia sẻ, một trong những điểm mấu chốt của Hội nghị đó là “tính liên kết.”
Tính kết nối thể hiện trong nhiều nội dung như: hải quan, thúc đẩy thương mại, thông quan hàng hóa hai khu vực, thúc đẩy tính kết nối để phát triển du lịch...
Đại sứ cho rằng, từ ASEM 5 tổ chức tại Việt Nam năm 2004 đến nay, thương mại hai bên đều phát triển lớn mạnh.
Ví dụ trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam, kim ngạch đã đạt mức 33 tỷ USD/năm, nhưng con số này cách đây 10 năm là rất nhỏ. Trong vòng 3 năm qua, quan hệ thương mại châu Âu và Việt Nam tăng trưởng rất đều đặn, gần như là tăng trưởng hai con số.
Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, phát huy được vai trò và vị thế tại Diễn đàn, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5; tổ chức 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ-thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động.
Việt Nam cũng đề xuất hướng giải quyết cho hai lần mở rộng ASEM và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh,” “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác về ứng phó thiên tai và “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” về quản lý nguồn nước, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong-Danube.
Đáng chú ý, các sáng kiến do Thủ tướng Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào năm 2012 về “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh” trong khuôn khổ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” và “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu” được các thành viên ASEM tham gia đồng sáng kiến nhiều nhất, triển khai tích cực và nhất trí thúc đẩy trở thành các hoạt động định kỳ trong ASEM.
Để tiếp tục nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với EU và với các đối tác quan trọng khác trong ASEM cũng như đóng góp cho quan tâm chung,trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp những đề xuất, sáng kiến tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (xóa nghèo), đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, thúc đẩy hợp tác cụ thể Mekong-Danube.
Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo ASEM không chính thức về Nhân quyền lần thứ 14 với chủ đề “Doanh nghiệp và quyền con người” tại Hà Nội vào tháng11 tới, hoạt động lớn nhất mà Việt Nam đăng cai năm nay, trên tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, góp phần tăng cường đối thoại và hiểu biết giữa hai châu lục.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đã có vai trò đóng góp tích cực trong hai năm qua. Thời gian đảm nhận trọng trách điều phối viên trong ASEAN, Việt Nam luôn muốn lồng ghép lợi ích của ASEAN vào trong diễn đàn của ASEM. Vai trò đóng góp tích cực của Việt Nam giữa ASEAN và EU cho thấy chúng tôi đang có đối tác tốt ở trong khu vực”./.