Phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền cần chú trọng cụ thể hóa phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đồng chủ trì Hội thảo.

Thực hiện Kế hoạch số 02 ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Ban Bí thư, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ triển khai xây dựng hai chuyên đề, trong đó có chuyên đề "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh một trong các giải pháp quan trọng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, qua đó phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

[Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo đề án xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN]

Đánh giá chuyên đề được chuẩn bị công phu, cơ bản phù hợp với Đề án của Ban Chỉ đạo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, phát huy dân chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Mặt trận và các tổ chức thành viên cần phát huy vai trò này một cách thực chất trong thực tiễn; có cơ chế đảm bảo để công tác giám sát được thực hiện tốt ngay từ cơ sở; tránh việc thiếu giám sát trong các cơ quan nhà nước, nhất là về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể như trong công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia góp ý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ông Lê Tiến Châu cho rằng cùng với việc làm rõ hơn những nội dung về lý luận, chuyên đề phải chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, trong đó quan tâm đến việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định nhằm bảo đảm nguồn lực; quán triệt, hiện thực hóa, cụ thể hóa phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng," "vai trò chủ thể, vị trí trung tâm" của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc..."

Cùng với việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực lưu ý Tổ biên tập tiếp tục quan tâm đến việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các vị nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung để chuyên đề có tính hệ thống, cơ sở lý luận, thực tiễn cao, thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục