Phát huy vai trò hoa tiêu của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được ví như hoa tiêu trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Phát huy vai trò hoa tiêu của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong những năm qua, hệ thống thương vụ cũng như các cơ quan đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều nỗ lực phát huy vai trò của mình. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và hệ thống thương vụ vẫn còn những khó khăn riêng, dẫn đến hiệu quả đạt được không như mong muốn.

Bên lề Hội nghị Tham tán 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 26/2, một số doanh nghiệp và tham tán thương mại đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Hiệu quả chưa mong muốn

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu của ngành dệt may, Tổng công ty May 10 đã có một cách làm sáng tạo để kết nối hiệu quả với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Mỗi một nhiệm kỳ mới, Tổng Công ty May 10 đều may tặng các đại sứ, tham tán thương mại một bộ sản phẩm veston, đây chính là cách để May 10 truyền thông sản phẩm của mình với thế giới thông qua cầu nối chính là hệ thống các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Điều này cũng thể hiện sự kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với hệ thống thương vụ tại nước ngoài. Tuy nhiên, sự kết nối này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, thương vụ sẽ là cầu nối cho rất nhiều doanh nghiệp ngành nghề khác như điện tử, thủy sản…

Với một quy mô và lượng người như vậy, những cuộc hội thảo, tiếp xúc thường mang tính chung chung, không đi cụ thể vào từng ngành hàng. Vì vậy, ông Việt cho rằng, các thương vụ nên tổ chức những cuộc tiếp xúc riêng đối với các ngành nghề riêng hoặc có những kênh phân bổ thời gian và người cho từng mảng của từng lĩnh vực kinh tế thì mới có thể mang lại hiệu quả.

Cùng với nhu cầu hội nhập ngày càng lớn, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp rất chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, dần ý thức được tầm quan trọng và mối liên kết với hệ thống thương vụ tại nước ngoài.

Tuy nhiên, các tham tán thương mại cũng thừa nhận, chính việc thiếu cung cấp thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và thương vụ đã khiến cho việc kết nối thiếu hiệu quả.

Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga bày tỏ: “Chúng tôi cần thông tin từ các doanh nghiệp, bộ ngành cung cấp cho thương vụ. Đương nhiên trên cơ sở đó chúng tôi cũng sẽ cung cấp lại những thông tin. Tức là ở đây cần có thông tin 2 chiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cần thông tin của truyền thông đại chúng đối với hoạt động của thương vụ với doanh nghiệp. Vì đây là một công cụ hữu hiệu để phát triển thị trường cũng như để Việt Nam và các đối tác hiểu nhau một cách vững chắc và ổn định.”

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tâm sự: "Việc kết nối cần có sự thay đổi. Ví dụ để giảm tải công việc của thương vụ với từng doanh nghiệp trên cơ sở cả nước có rất nhiều doanh nghiệp thì trong những năm vừa qua, chúng tôi đặt ra trọng tâm là kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật, có những thỏa thuận hợp tác giữa các hiệp hội cũng như doanh nghiệp hai nước để từ các thành viên hiệp hội của hai nước sẽ có những cách xúc tiến cộng hưởng với chức năng nhiệm vụ của thương vụ.”

Tận dụng "lợi thế" từ các tham tán thương mại

Tại phiên tổng kết công tác thị trường ngoài nước năm 2016, Bộ Công Thương cho biết, cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn và hạn chế của hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, tuyên truyền gắn kết hơn nữa lợi ích của doanh nghiệp với các cơ quan thương vụ để bắt kịp với yêu cầu mới là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu giai đoạn đã đề ra.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, qua những chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán, mục tiêu đặt ra cho các tham tán đã hoàn thành.

Các tham tán thương mại đã có chương trình trao đổi rất sâu, rộng với các bộ, ngành. Đặc biệt, các tham tán cũng đã có cơ hội trao đổi và làm việc rất cụ thể với các hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Điểm khác biệt là năm nay, Việt Nam đang trong bối cảnh hết sức ý nghĩa là vừa kết thúc thắng lợi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và bắt đầu quyết liệt triển khai ngay từ đầu năm những mục tiêu nhiệm vụ lớn trong kế hoạch 5 năm cũng như mục tiêu nhiệm vụ cụ thể của năm 2016 trong tinh thần rất phấn khởi và quyết tâm.

Điểm nữa là Hội nghị lần này được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do kể cả những Hiệp định thương mại tự do kiểu mới như TPP.

Cơ hội và thách thức đang đặt ra quy mô rất lớn với Việt Nam trong việc thực thi. Đây cũng chính là những yêu cầu, nghĩa vụ đề ra rất cụ thể cho các cơ quan thương vụ và các tham tán thương mại ở nước ngoài.

Chính vì vậy, một cái nhìn tổng thể khách quan về bối cảnh mới, những kết quả và thành tích đã đạt được cũng như những yếu kém, tồn tại là rất cần thiết để cho các cơ quan quản lý điều hành Nhà nước; trong đó, có Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, … để có hướng điều chỉnh cả về khung khổ pháp lý, tổ chức thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu của 2016 và những năm tới.

Các tham tán sẽ phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cơ quan thương vụ với các cơ quan đại diện ngoại giao ở bên ngoài, giữa các cơ quan ở bên ngoài với các cơ quan trong nước cũng như hệ thống cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định và đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương, của các cơ quan đại diện ở nước ngoài và các tham tán thương mại.

Cùng đó, các tham tán thương mại, thương vụ ở nước ngoài sẽ không chỉ dừng nhiệm vụ trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn có vai trò quan trọng hơn là cơ quan nắm bắt thông tin diễn biến thị trường.

Một trong những nhiệm vụ rất lớn mà Thủ tướng đã giao cho ngành công thương là tiếp tục hoàn thiện thể chế để đảm bảo yêu cầu trong hội nhập và thực hiện cam kết hội nhập.

Việc trước mắt của các bộ ngành liên quan là phải tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của các tham tán thương mại và các thương vụ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như giữa các cơ quan đại diện ở nước ngoài với các cơ quan quản lý ở trong nước và hệ thống cộng đồng doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục