Phát huy vai trò già làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Gần 10 năm qua, già làng Điểu Cu (74 tuổi, thôn Phu Mang 1, xã Long Hà, Bình Phước) luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
Già làng Điểu Cu (trái) vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Gần 10 năm qua, già làng Điểu Cu (74 tuổi, thôn Phu Mang 1, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước) luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Ông còn là “cầu nối” quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Truyền cảm hứng

Nhiều năm qua, gia đình già làng Điểu Cu luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây, gia đình ông luôn có nguồn thu ổn định.

Với kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ông Điểu Cu phối hợp với Ban Quản lý thôn vận động người dân chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông còn thường xuyên vận động nhân dân tích cực chuyển đổi nghề, tăng gia lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các giống mới cho năng suất cao.

Ông Điểu Thức là một trong những người đã làm theo lời khuyên của già làng Điểu Cu để chuyển đổi nghề thành công và có thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng.

Ông Điểu Thức cho biết, trước đây khi chưa chuyển sang nghề cạo mủ cao su, thu nhập của ông rất bấp bênh. Nghe lời khuyên của già làng đi học thêm nghề cạo mủ cao su, ông đã làm theo và có nguồn thu ổn định hàng tháng.

Gia đình anh Điểu Thâm trước đây là một trong những hộ khó khăn của thôn. Tuy nhiên, từ khi được già làng vận động đi làm công nhân nên thu nhập của anh đã ổn định hơn trước.

Anh Điểu Thâm chia sẻ, những năm gần đây, già làng Điểu Cu luôn chỉ bảo người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp để tăng năng suất, chuyển đổi công việc cho phù hợp.

Nhờ đó, anh đã chuyển đổi nghề ổn định và có cuộc sống khá hơn trước. Anh và rất nhiều người trong thôn biết ơn già làng đã luôn quan tâm và chỉ bảo mọi người phấn đấu phát triển kinh tế, không để tái nghèo.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Thôn Phu Mang 1 hầu hết là đồng bào thiểu số sinh sống, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, ông Điểu Cu hiểu hơn ai hết về đời sống, sinh hoạt trong cộng đồng dân tộc mình nên đã ý thức hơn trong việc vận động người dân phát triển sản xuất, giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang cũng như lễ hội…

Ông Điểu Bông (Thôn Phu Mang 1) chia sẻ, già làng Điểu Cu được mọi người quý mến. Ông không chỉ vận động người dân tích cực chăm sóc cây trồng, vật nuôi mà còn tuyên truyền để mọi người luôn giữ nét đẹp bản sắc riêng của dân tộc.

Nhiều năm qua, với vai trò là già làng, mục sự Chi hội Phu Mang 1, ông Điểu Cu luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn hóa bản làng và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Già Điểu Cu chia sẻ, những năm qua, ông đã vận động con cháu dòng họ, dòng tộc, người thân không tham gia các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè, nghiện hút; đồng thời, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Ông đã cùng các lực lượng địa phương vận động người dân phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những hoạt động truyền đạo trái pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, ông Điểu Cu còn tích cực chủ động nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, vận động và tổ chức cho cộng đồng đồng bào thiểu số cùng thực hiện. Đồng thời, ông cũng tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình.”

Đặc biệt, ông đã nhắc nhở người dân cảnh giác với những hoạt động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do dân chủ, nhân quyền để kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Già làng Điểu Cu đã tích cực vận động nhân dân tham gia Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời phối hợp với bản, thôn vận động nhân dân đóng góp kinh phí, sức người, hiến đất để thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng như: xây dựng đường bê tông nông thôn, đường đèn năng lượng mặt trời...

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Long Hà Hoàng Văn Lư cho biết, được sự tín nhiệm của người dân tại thôn, ông Điểu Cu đã phát huy tích cực vai trò, nghĩa vụ của một già làng tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Già làng đã tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông đi đầu trong công tác phát triển kinh tế cũng như vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Trong phong trào Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc, già làng Điểu Cu đã tích cực tuyên truyền người dân không di cư tự do, tranh chấp đất đai, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số như: tranh chấp khiếu kiện đất đai, lấn chiếm đất, buôn bán đất sản xuất, bán điều non có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Với vai trò già làng, những năm qua, ông Điểu Cu đã được các cấp chính quyền địa phương huyện, tỉnh Bình Phước tuyên dương là điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023; người dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh; cá nhân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2019-2024…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục