Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kết thúc chặng đường 5 năm và khẳng định sức lan tỏa cũng như nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Có lẽ chính từ chương trình này mà niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng hàng nội nhiều hơn.
Không chỉ có vậy mà cuộc vận động còn làm thay đổi được nhận thức của người dân thường cho rằng, hàng ngoại bao giờ cũng tốt, hàng nội không tốt. Đây cũng là động lực giúp các doanh nghiệp thường xuyên cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu để người Việt Nam ngày càng tin tưởng và ưa chuộng hàng Việt Nam.
Không dừng lại ở nội địa…
Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, sau 5 năm thực hiện, Cuộc vận động đã nhận được sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền và địa phương trên cả nước. Đặc biệt, không chỉ tập trung tuyên truyền trong nước, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến về Cuộc vận động đến đông đảo bà con Việt kiều ở 109 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời đưa doanh nghiệp tham gia các triển lãm hàng Việt ở nước ngoài.Trong thành tích ấn tượng này, có sự nỗ lực không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại.
Thống kê mới đây nhất của Cuộc vận động cho thấy, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm và “quan tâm” đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tăng 4% so với năm 2010); 54% người tiêu dùng “khuyên người thân, bạn bè mua hàng Việt Nam” (tăng 16% so với cuộc điều tra dư luận vào tháng 11/2010). Không những thế, hàng Việt chiếm 80 - 90% thị phần trong các kênh bán lẻ hiện đại và được người dân đánh giá cao. Các chợ đầu mối truyền thống, các trung tâm thương mại đi đầu trong kinh doanh hàng Việt.
Đặc biệt, thành tích của Cuộc vận động trong nhiều năm qua còn được minh chứng bằng sự liên tục tăng trưởng của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ (năm 2013 đạt mức cao nhất); xuất khẩu luôn tăng vượt mức, nhập siêu thấp hơn mức khống chế, thậm chí đã xuất siêu…
Nhận định về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Thoa, Phó Ban Vận động cho rằng: Góp vào thành tích trên, có vai trò của xúc tiến thương mại với những chương trình thiết thực, hiệu quả về nội dung, phong phú, sinh động về hình thức. Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đến nay, đã có 618 đề án xúc tiến thương mại; trong đó có 356 đề án nhằm vào phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới, hải đảo, để tổ chức hội chợ, triển lãm, đưa hàng hóa về những vùng, miền này. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty trong ngành Công Thương đã ký hợp đồng theo “Thỏa thuận ưu tiên dùng sản phẩm của nhau.”
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các hội chợ tầm quốc gia, liên vùng, các hội thảo lớn kết nối giữa các nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà kinh doanh, nhằm phát triển hệ thống phân phối, điều tra nắm bắt thị hiếu của công chúng.
Đơn cử mới đây nhất ngày 10/10 vừa qua,Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tiến hành ký Thỏa thuận hợp tác song phương trong việc sử dụng sản phẩm-dịch vụ của nhau, căn cứ vào mục tiêu và chiến lược của hai bên, nhằm phát huy tiềm lực phát triển của mỗi bên và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Theo Thỏa thuận hợp tác song phương, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ là nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng không (hành khách, hành lý, hàng hóa…) với giá cạnh tranh cho cán bộ, công nhân viên của Vinatex và các đơn vị thành viên thông qua hợp đồng khách hàng lớn theo chính sách thương mại của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên. Ngược lại, Vinatex và các đơn vị thành viên sẽ là nhà cung cấp toàn bộ dịch vụ với giá cạnh tranh về dệt may bao gồm cung cấp nguồn nguyên liệu, sản xuất trang phục bảo hộ lao động và đồng phục cho phi công, tiếp viên và nhân viên trực tiếp phục vụ hành khách của Vietnam Airlines.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, để tăng cường năng lực cho hàng Việt từ gốc, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 770 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ hơn 1.610 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, trong đó đăng ký thương hiệu cho 300 cơ sở…; ưu tiên các đề tài nghiên cứu việc kích cầu, khai thác tiềm năng hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường tiện ích phục vụ khách hàng đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi hợp lý của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc quảng bá hàng Việt không chỉ thuần túy trong các hoạt động mang tính thương mại như bán hàng - kinh doanh dịch vụ mà đã được các cơ quan thông tin - truyền thông chủ động tham gia, phổ biến rộng rãi trong công luận; các hội, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai tới các thành viên, tạo sự đan chéo, nhiều chiều đồng thuận về nhận thức dẫn tới hành động chung trong cộng đồng xã hội.
Đây có thể coi như những thành công bước đầu đã khẳng định tính thuyết phục của Cuộc vận động, chủ động sửa soạn hành trang để bước vào hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục gắn kết chiến lược phát triển thị trường nước với những mục tiêu trọng tâm, lộ trình hợp lý, bằng sức mạnh của cả hệ thống. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói.
…mà còn được ưa chuộng tại trời Tây
Đánh giá về nhu cầu sử dụng hàng Việt của lực lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Với mục tiêu chiếm lĩnh lòng tin của người Việt xa xứ, tại những lần xúc tiến thương mại tổ chức hội chợ, triển lãm tại các thị trường nước ngoài, hàng Việt Nam đã dần dần tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng nơi đây và thường được đánh giá cao vì giá rẻ, chủng loại phong phú, chất lượng tốt....
Bên cạnh đó, với vai trò “cầu nối” của các hội doanh nhân, doanh nghiệp người Việt cũng được phát huy tối đa nhằm nắm thông tin tại thị trường sở tại. Lực lượng doanh nghiệp này đã được tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh hàng hóa như hỗ trợ tìm đầu mối cung cấp hàng hóa trong nước, vận động thành lập các hội doanh nhân Việt kiều để tạo mạng lưới liên kết kinh doanh, góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới.
Nhờ những giải pháp trên, hàng Việt Nam đã và đang hiện diện nhiều hơn tại các quốc gia trên thế giới. Người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài không chỉ đóng vai trò là lực lượng tiêu thụ mà còn là “cầu nối” cho hàng Việt Nam vào các nước sở tại.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, chính vì vậy mà kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép… ngày càng gia tăng, trong đó nhiều mặt hàng đứng thứ nhất, thứ hai thế giới có vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng này.
Để hàng Việt ngày càng khẳng định rõ vị thế trên thị trường, theo ông Lê Bá Trình, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ biết đến Cuộc vận động; hàng Việt có thế mạnh sẽ chiếm khoảng 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững.
Tuy nhiên, ông Lê Bá Trình cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức. Đặc biệt, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được thực hiện mạnh mẽ với những hoạt động chính như truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; phát triển hệ thống phân phối; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Ngoài ra, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai sâu rộng và phong phú hơn nữa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó doanh nhân kiều bào cần được coi là lực lượng nòng cốt thực hiện và là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Mục đích hướng tới không chỉ là kêu gọi lòng yêu nước của bà con để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam về số lượng mà còn nhằm phát huy cao độ vai trò, khả năng của cộng đồng với không ít người là những doanh nhân, chuyên gia, trí thức thành đạt tại các thị trường quan trọng như Mỹ, EU… để thiết lập các kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam./.