Phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa và ẩm thực độc đáo.

Diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành từ hàng nghìn năm về trước với những giá trị phong phú, đặc sắc. Phát triển bền vững Tây Nguyên không thể không chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa.

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, như đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc.

Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Một trong những di sản nổi tiếng là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại.

Cồng chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng, được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo của kỹ thuật diễn tấu mà còn biểu tượng cho cuộc sống của cộng đồng các dân tộc bản địa, bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng, như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.

Văn hóa Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, gắn kết chặt chẽ với bản, làng và đặc trưng luật tục, lễ hội đặc sắc trong không gian rừng đại ngàn mênh mông.

1711congchieng1.jpg
Tái hiện lễ cúng nhà mới của người Jrai, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Các lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên biểu thị những quan niệm về con người, trở thành những hội vui với sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí cả các dòng tộc khác hoặc các buôn lân cận, như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả…

Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.

Nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa Tây Nguyên, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ 1 năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 29/11-1/12) tại thành phố Kon Tum.

Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tổ chức Ngày hội này.

Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ 1 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 29/11, tại Quảng trường 16/3, thành phố Kon Tum.

1711congchieng3.jpg
Nghệ nhân Tây Nguyên với nghề thủ công đan lát. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung, Ngày hội nhằm tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại khu vực Tây Nguyên với sự tham gia của khoảng 500 nghệ nhân, diễn viên là người dân tộc thiểu số.

Đây là cơ hội để cộng đồng các dân tộc tại Tây Nguyên giao lưu, gặp gỡ, học tập, chia sẻ và lan tỏa nét đẹp văn hóa đến bạn bè bốn phương. Ngày hội còn góp phần để các thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình cho biết đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đã cơ bản hoàn thành. Thông qua Ngày hội, du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị và là tiền đề để ngành Du lịch Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung bứt phá trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; giới thiệu ẩm thực truyền thống; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam;” trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và các hoạt động thể thao quần chúng như kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục