Lịch sử ra đời và phát triển trong 90 năm qua của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp (18/10/1930-18/10/2020) luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, với hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và các cấp ủy đảng.
Các thế hệ cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng các thời kỳ hun đúc, phát huy truyền thống: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc công tác,” hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, phục vụ các cơ quan lãnh đạo của Đảng tại từng giai đoạn cách mạng đất nước.
Xây dựng và trưởng thành
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2/1930) và Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất (tháng 10/1930), các bộ phận tham mưu, giúp việc của Trung ương được hình thành, trong đó có bộ phận Văn phòng Trung ương Đảng.
Sau này, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã quyết định lấy ngày 18/10/1930 làm Ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy.
Giai đoạn 1930-1945, Đảng mới thành lập, hoạt động trong điều kiện bí mật với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng vừa là lãnh đạo, vừa trực tiếp làm một số nhiệm vụ của công tác văn phòng như đánh máy, in ấn, vận chuyển tài liệu, gây dựng tài chính Đảng, vận động nhân dân xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng căn cứ cách mạng...
Có thể nói, Bác và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng là những “cán bộ văn phòng” đầu tiên, mở đầu cho truyền thống vẻ vang của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp. Tài sản vô giá của Người để lại về tấm gương trong sáng, mẫu mực về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, sự tận tuỵ, kiên trì, tỷ mỷ, chu đáo, đầy sáng tạo trong công việc còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Vượt qua biết bao gian khổ, thử thách, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù, các cán bộ chiến sỹ Văn phòng luôn bám sát và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững mối liên lạc, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, các cấp ủy đảng với phong trào cách mạng cả nước; mối quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài với các tổ chức đảng, phong trào cách mạng trong nước; quan hệ giữa Đảng ta với Quốc tế cộng sản cũng như các Đảng Cộng sản anh em. Công tác văn phòng đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài của giai đoạn 1945-1954, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập ở trong tình thế hiểm nghèo. Đội ngũ cán bộ văn phòng vẫn thầm lặng làm tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn, phục vụ Bác Hồ, Trung ương Đảng và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng vượt qua thử thách, sóng gió.
Tháng 5/1947, tại căn cứ địa Việt Bắc (xã Quảng Nạp, nay là xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định thành lập Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng (nay là Văn phòng Trung ương Đảng) do đồng chí Lê Văn Lương làm Bí thư Văn phòng. Đây là bước chuyển đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy cả nước.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập Văn phòng Trung ương Đảng, vào tháng 6/1949, tại căn cứ địa Việt Bắc, Trung ương đã triệu tập Hội nghị Văn phòng toàn quốc và thông qua nghị quyết quan trọng, xác định những vấn đề cơ bản của công tác văn phòng cấp ủy, như: Nguyên tắc và hình thức tổ chức, lề lối làm việc, quan hệ công tác; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp. Hội nghị này thể hiện vị trí, vai trò quan trọng, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với công tác văn phòng cấp ủy và hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng; đặt nền móng căn bản cho hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp.
Giai đoạn 1954-1975, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Văn phòng Trung ương Đảng đã trực tiếp phân bổ lực lượng, nhiều lần cử cán bộ nghiệp vụ, điện đài, cơ yếu... bổ sung, chi viện cho Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và Văn phòng Khu ủy Khu V.
Trong thời kỳ này, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, Văn phòng Khu ủy Khu V và văn phòng các cấp ủy trong cả nước đã luôn bám sát nhiệm vụ, vừa phục vụ chiến đấu, vừa làm tốt công tác tham mưu, tổ chức làm việc, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhiều cán bộ văn phòng, nhất là Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam, Văn phòng Khu ủy Khu 5, văn phòng các cấp ủy đảng ở miền Nam đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ này, Văn phòng Trung ương Đảng được xác định là một cơ quan trong hệ thống các ban của Đảng, “có chức năng tham mưu giúp Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, đồng thời là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.”
Bước vào thời kỳ đổi mới, Văn phòng Trung ương Đảng đã phối hợp với các cơ quan nắm tình hình, tổng hợp, cung cấp thông tin và kiến nghị những vấn đề cần thiết, góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyết định về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, giá cả, tiền lương, khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần vào hình thành quyết định đổi mới tiếp theo của Đảng.
Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với các ban, bộ, ngành; các tiểu ban chuẩn bị văn kiện Đại hội VI, chủ động nêu một số kiến nghị giúp Bộ Chính trị thảo luận, góp phần đi đến kết luận quan trọng, làm cơ sở hình thành Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
[90 năm Ngày truyền thống Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy]
Năm 2007, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức, bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Quyết định số 45-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 về việc hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tài chính-Quản trị Trung ương và Văn phòng Trung ương thành Văn phòng Trung ương Đảng, chuyển nhiệm vụ theo dõi, tham mưu tổng hợp lĩnh vực an ninh quốc gia về Văn phòng Trung ương Đảng.
Năm 2012, tái lập Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trên cơ sở tách một số chức năng, nhiệm vụ và một số vụ chuyên môn của Văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 10/2014, Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan đảng giải thể, chuyển chức năng, nhiệm vụ và cán bộ của Ban về Văn phòng Trung ương Đảng.
Đây là bước phát triển mới của Văn phòng Trung ương Đảng, bên cạnh cách làm truyền thống, Văn phòng tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, một số hoạt động như công nghệ thông tin, cơ yếu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Trung ương Đảng.
Xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Suốt chặng đường 90 năm, căn cứ yêu cầu tình hình cách mạng trong từng giai đoạn, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương Đảng có sự thay đổi, bổ sung phù hợp, song, chức năng, nhiệm vụ cơ bản là tham mưu, giúp việc, phục vụ Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng các cấp ủy phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nắm và phản ánh trung thực, kịp thời tình hình mọi mặt của đất nước với Trung ương Đảng và các cấp ủy; phối hợp, chủ trì tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc của thực tiễn, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực: Kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chủ động, thường xuyên tổ chức phối hợp công việc giữa các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể...
Công tác thông tin tổng hợp và phục vụ lãnh đạo được chú trọng đổi mới, cải tiến, thường xuyên bám sát yêu cầu của lãnh đạo và tình hình thực tế, giúp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm được tình hình và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng với đó, công tác theo dõi, nắm tình hình địa phương, các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được tăng cường, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo quan trọng về đổi mới phương thức lãnh đạo, giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ, cải tiến lề lối làm việc, chấp hành chế độ thông tin báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy. Công tác hậu cần, quản lý tài chính, tài sản của Đảng, bảo đảm điều kiện phục vụ hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, các ban Đảng Trung ương luôn được thực hiện chu đáo và kịp thời.
Các lĩnh vực nghiệp vụ văn phòng được xây dựng, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện thống nhất trong hệ thống tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội trên phạm vi cả nước; xác minh và cung cấp cứ liệu lịch sử ghi lại truyền thống vẻ vang của Đảng cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống các cơ quan Đảng từ Trung ương đến địa phương được đẩy mạnh, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong cung cấp thông tin và tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng thích ứng với tình hình phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, bổ sung nguồn thu cho ngân sách đảng.
Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng ngày càng trưởng thành. Nhiều đồng chí lãnh đạo Văn phòng đã trở thành các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, như đồng chí: Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Tùng, Nguyễn Khai, Vũ Tuân, Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Nguyễn Khánh, Hồng Hà, Trần Đình Hoan, Phan Diễn, Trần Quốc Vượng... Một số cán bộ của Văn phòng đã trở thành cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các địa phương.
Các thế hệ cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng qua các thời kỳ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân, các địa phương đánh giá tốt về phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác, lòng trung thành, tính trung thực, sự sáng tạo, tận tụy, chu đáo với công việc. Những phẩm chất quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp được kết tinh, hun đúc thành truyền thống: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc công tác.”
Ghi nhận truyền thống vẻ vang và những đóng góp của Văn phòng Trung ương Đảng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Văn phòng Trung ương Đảng đã được trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước vào năm 2002. Các ban trước hợp nhất cũng đã được trao tặng Huân chương Sao vàng hoặc Huân chương Hồ Chí Minh.
Trong những năm gần đây, nhiều tập thể và cá nhân của Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục được tặng nhiều danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tiêu biểu, năm 2019, Văn phòng Khu ủy Khu V được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực, sức chiến đấu
Cùng với niềm tự hào truyền thống vẻ vang, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy các cấp nhận thức rõ nhiệm vụ trong bối cảnh khu vực và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp, khó lường.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để tự 'nâng tầm,' nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực, sức chiến đấu, khiêm tốn, học tập rèn luyện, tự giác khắc phục thiếu sót, khuyết điểm. Qua đó, Văn phòng Trung ương Đảng, văn phòng các cấp ủy mới có thể đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành được nhiệm vụ tham mưu, phục vụ các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.”
Với tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Trung ương Đảng, văn phòng các cấp bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động cùng các cơ quan tham mưu, phục vụ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, phục vụ các cấp uỷ Đảng các cấp chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân sắp tới.
Văn phòng Trung ương Đảng, văn phòng các cấp bám sát tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ, nâng cao năng lực tham mưu, tổng hợp, phục vụ trên các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm; chọn vấn đề có tính chiến lược, phức tạp, nổi cộm, đột xuất để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khoa học và hiệu quả.
Đồng thời, Văn phòng Trung ương Đảng, văn phòng các cấp theo dõi, phản ánh kịp thời kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động của cơ quan; thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng, bảo đảm hậu cần phục vụ hoạt động của Trung ương Đảng; thực hiện có hiệu quả chức năng trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo và công tác nghiệp vụ.
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị thực hiện có hiệu quả, thực chất cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn cơ quan và từng đơn vị; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ cơ quan đoàn kết, gắn bó.
Xây dựng đội ngũ cán bộ trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tâm huyết với công việc, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ; cảm thông, chia sẻ trong công việc và cuộc sống; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ kế cận đủ sức gánh vác và làm tốt nhiệm vụ được giao phó.
Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng, trưởng thành, Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy quyết tâm tiếp tục phấn đấu rèn luyện về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, gương mẫu trong mọi mặt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu và giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với truyền thống vẻ vang các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.