Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam trong Lực lượng Gìn giữ Hòa bình

Phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện mục tiêu hòa bình, an ninh của đất nước, khu vực và thế giới.
Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ, hồi tháng 4/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình mới ở khu vực và trên thế giới, hòa bình và an ninh đã trở thành mục tiêu, trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, dân tộc và nhân loại, trong đó có Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang," với tinh thần “đoàn kết-đổi mới-bình đẳng-hội nhập," phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện mục tiêu hòa bình, an ninh của đất nước, khu vực và thế giới.

Với sự gia tăng đáng khích lệ về tỷ lệ nữ quân nhân và cảnh sát trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò của mình tại các phái bộ gìn giữ hòa bình, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2017, Việt Nam cử nữ sỹ quan đầu tiên là Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Trong hơn 8 năm qua, Việt Nam đã cử trên 70 nữ quân nhân tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có cả các nữ sỹ quan tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm khoảng 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%) và các nữ quân nhân trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%) và đội công binh (chiếm gần 12%), trong khi có một số đội công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước không có nữ quân nhân tham gia.

[Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình]

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình phải có sức khỏe tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức quân sự và chuyên môn tốt, giỏi ngoại ngữ, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng sinh tồn…

Đối với các nữ quân nhân, những khó khăn, thách thức đó lại nhân lên gấp bội do đặc điểm sinh học tạo nên sự khác biệt so với nam giới về sức khỏe, tinh thần, tình cảm.

Vượt qua những rào cản khó khăn đó, lực lượng nữ quân nhân xung phong lên đường với một khí thế quyết tâm, đến những miền đất xa xôi như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei…, nơi điều kiện sống còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, người dân còn nghèo khó, lạc hậu; đối mặt với bệnh tật, hiểm nguy rình rập mỗi khi xung đột; vượt qua nỗi nhớ con, nhớ gia đình… để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất ở vùng đất sở tại.

Tại các phái bộ, các nữ quân nhân Việt Nam hoạt động ở nhiều vị trí với vai trò khác nhau như: sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, huấn luyện, quân y...

Bác sỹ Tống Vân Anh - Tổ trưởng tổ Phụ nữ Bệnh viện dã chiến 2.3 cùng chị em trong tổ gửi quà cho phụ nữ địa phương tại Nam Sudan. (Ảnh: BVDC2.3 cung cấp)

Ngoài thời gian công tác, làm việc theo nhiệm vụ được Liên hợp quốc giao, các chị còn giảng dạy, hỗ trợ những người phụ nữ, những người mẹ ở địa bàn sở tại về kinh nghiệm, kiến thức cơ bản trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con; may khẩu trang hỗ trợ người dân, đồng nghiệp ở phái bộ để phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các chị còn tham gia tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân và các nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em…

Những nữ sỹ quan gìn giữ hòa bình chính là cầu nối giúp xây dựng lòng tin giữa các phái bộ với các cộng đồng địa phương, từ đó góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột và đối đầu.

Họ thực sự đã trở thành những người truyền cảm hứng, tạo ra hình mẫu cho phụ nữ và trẻ em gái để trở thành một phần ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình và chính trị.

Trong quá trình tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, phụ nữ Việt Nam đã lan tỏa thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.

Đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau tại các phái bộ, Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam nói chung cũng như các nữ quân nhân Việt Nam nói riêng được Liên hợp quốc đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, khả năng thích ứng với các yêu cầu khác nhau của công việc.

Với khả năng làm "mềm hóa" tình hình xung đột, căng thẳng và sự linh hoạt, hiệu quả trong giải quyết các thách thức phi truyền thống, các chị đã khẳng định một điều rằng phụ nữ là một phần quan trọng không thể thiếu trong tiến trình hòa bình và chính trị.

Mặc dù làm việc trong điều kiện, môi trường khó khăn, thiếu thốn nhưng những người lính mũ nồi xanh của Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Các chị là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, không chỉ giữ gìn và nhân lên giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, sẵn sàng thích ứng với mọi điều kiện, kể cả những môi trường làm việc khó khăn nhất.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhấn mạnh là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tự hào và ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của lực lượng nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về vấn đề phụ nữ và an ninh, hòa bình để có những đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ; khích lệ, động viên phụ nữ tích cực học tập, rèn luyện, tham gia đăng ký thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng là dòng dõi anh hùng, cháu con của Bà Trưng-Bà Triệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục