Phát huy tinh thần tự lực, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số

Hội đồng Dân tộc đề nghị trong quý 4 năm 2021, Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát huy tinh thần tự lực, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục phiên họp thứ 3, chiều 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội (Chương trình).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban hành kế hoạch công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương để tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình.

Các bộ, ngành và địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình; các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể được tham vấn đầy đủ các bên liên quan, có tính khả thi cao trong giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhất nói riêng.

[Phát triển KT vùng đồng bào dân tộc: Chú trọng cây trồng đặc sản]

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách trung ương dẫn đến khó khăn trong việc cân đối ngân sách trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; có phương án cân đối đủ hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, hầu hết các địa phương thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là các tỉnh vùng dân tộc và miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách và phải phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trung ương.

Do đó, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách Trung ương trở lên.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở, tính phù hợp cho kiến nghị với Quốc hội cho phép sử dụng cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách Trung ương trở lên và áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10% đối với các địa phương còn lại trong Chương trình.

Phát huy tinh thần tự lực, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ảnh 2Người dân xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hái chè Shan tuyết. (Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN)

Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị trong quý 4 năm 2021 Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giữa 10 dự án thành phần của chương trình, bảo đảm cụ thể, dễ áp dụng, tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hơn 1 năm qua, việc triển khai Chương trình chỉ nằm trên đề án, tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu.

“Chính phủ cần kiểm điểm trách nhiệm nằm ở bộ, ngành nào; nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, không thể 'dĩ hòa vi quý' khi người dân rất kỳ vọng vào Chương trình này,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình từ Trung ương đến địa phương; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân cấp cho địa phương theo tỷ lệ tự chủ ngân sách, thống nhất với các chương trình khác.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc và ban hành sớm Quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng phương án, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp đầu tư thực hiện Chương trình hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025; xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, cần ưu tiên đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần nhìn nhận Chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với các kiến nghị của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Dân tộc phải có tờ trình cụ thể về các kiến nghị để gửi các bộ xem xét thẩm định, trình Chính phủ; nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục