Phát huy tiềm năng, thế mạnh của danh thắng thác Bản Giốc

Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ được xây dựng thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế​-xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh​-quốc phòng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của danh thắng thác Bản Giốc ảnh 1Thuyền, bè đưa khách du lịch tham quan khu vực xung quanh thác Bản Giốc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 17/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc.

Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ được xây dựng thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế​-xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh-quốc phòng.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Khu du lịch thác Bản Giốc có quy mô 1.000 ha, được phân thành 2 khu. Khu vực phía Đông có diện tích 410ha sẽ hình thành Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Khu vực phía Tây có quy mô diện tích 590 ha sẽ hình thành khu trung tâm thị trấn đảm bảo tiêu chí đô thị loại 5.

Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có diện tích 157,6 ha, được tổ chức thành 4 khu vực, gồm: khu vực cảnh quan thác Bản Giốc (20 ha); khu vực cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn (22 ha); khu vực cảnh quan hệ sinh thái lâm nghiệp, đồi núi (35 ha); khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp (31 ha). Ngoài ra, còn có các công trình xây dựng như: khách sạn, dịch vụ (khoảng 10,3 ha); khu nghỉ dưỡng (khoảng 2,7 ha)…

[Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc]

Trong quá trình đầu tư xây dựng cần phải chú trọng bảo tồn nguyên trạng cảnh quan tự nhiên, cảnh quan sinh thái nông nghiệp dọc theo bờ sông Quây Sơn và vùng đồng ruộng bậc thang tại các triền, các thung lũng; vùng địa hình, địa chất phức tạp…; đồng thời nghiêm cấm mọi hoạt động làm thay đổi cảnh quan thác nước hiện có; nghiêm cấm phá hủy thảm thực vật đặc trưng; hạn chế xây dựng tập trung, khuyến khích xây dựng công trình với kiến trúc bản địa, hài hòa với thiên nhiên.

Thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước tự nhiên đẹp nhất cả nước, lớn nhất Đông Nam Á và có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.

Nhưng hiện nay, sản phẩm du lịch của thác Bản Giốc còn nghèo nàn, cơ sở lưu trú, dịch vụ chưa phát triển.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của danh thắng thác Bản Giốc ảnh 2 Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Đình Toàn (trái) trao quyết định phê duyệt quy hoạch chung cho tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)

Năm 2016, thác Bản Giốc đã thu hút trên 178.000 lượt du khách đến thăm; theo tính toán, đến năm 2020 thu hút khoảng 750.000 lượt khách, năm 2030 thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách.

Việc công bố quy hoạch chi tiết khu du lịch là cơ sở quan trọng để tỉnh Cao Bằng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của danh thắng thác Bản Giốc phục vụ phát triển kinh tế​-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng cho địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục