Phát huy sức dân trong quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn

Đắk Lắk và Đắk Nông đã triển khai tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, buôn vùng đệm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.

Người nhận khoán bảo vệ rừng buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Người nhận khoán bảo vệ rừng buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115.500 ha, nằm trên địa giới hành chính 7 xã thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Đây là hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam, có hệ thống động-thực vật phong phú, đa dạng với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.

Những năm qua, triển khai tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng thôn, buôn vùng đệm đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng.

Giữ rừng cho thế hệ mai sau

Buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nằm sâu trong lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, có 8 dân tộc cùng sinh sống là Êđê, M’nông, J’rai, Lào... với 144 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Nhiều năm trước đây, theo phong tục tập quán, nhiều người dân vẫn sinh sống dựa vào các sản vật từ rừng, gây áp lực lớn lên công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, từ khi Nhà nước triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, gắn quyền lợi với trách nhiệm bảo vệ rừng, người dân dần thay đổi nhận thức và ngày càng tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng.

Định kỳ mỗi tháng, các tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của buôn Drang Phốk đều “khăn gói” cùng lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đi tuần tra bảo vệ rừng trong khu vực được giao khoán. Việc nhận khoán và tham gia trực tiếp bảo vệ rừng đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người nói chung và buôn làng Buôn Drang Phốk nói riêng.

ttxvn-bao ve rung2.jpg
Tổ nhận khoán bảo vệ rừng buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nghe phổ biến nhiệm vụ từ lực lượng kiểm lâm trước khi tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Anh Y Toek Knul, Tổ trưởng Tổ nhận khoán buôn Drang Phốk, cho biết tổ có 20 hộ nhận khoán phối hợp với Trạm Kiểm lâm Drang Phốk tham gia bảo vệ hơn 430 ha rừng trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Nhiệm vụ của tổ là tham gia vào lực lượng tuần tra bảo vệ rừng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích được giao khoán, bảo vệ hệ sinh thái rừng, nhất là kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, săn bắt động vật rừng, đồng thời tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng khi được huy động. Các thành viên là người trong buôn làng, thông thạo địa hình, hiểu rõ hệ sinh thái rừng nên có nhiều lợi thế khi trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Theo anh Y Toek Knul, anh tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2009, hiện nay mức nhận khoán được 3,8 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng, anh dần hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, đây chính là cách để duy trì cuộc sống ổn định và bình yên của buôn làng. Từ đó, các hộ nhận khoán đều nâng cao trách nhiệm, tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng, đồng bào các dân tộc anh em cũng chung tay giữ rừng như giữ tài sản vô giá của buôn làng.

Dù đã trên 65 tuổi nhưng già già làng Y Mosk Hra (buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vẫn băng rừng, lội suối cùng lực lượng kiểm lâm và các hộ nhận khoán để tuần tra bảo vệ rừng.

Già làng Y Mosk Hra chia sẻ, bao đời nay, rừng khộp Yok Đôn đã “bao bọc” đồng bào các dân tộc buôn Drang Phốk, vì vậy việc giữ rừng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Khi nào đôi chân già còn đi được thì vẫn vào rừng cùng kiểm lâm, người dân bảo vệ từng cây gỗ quý, từng con thú hoang trong rừng, duy trì sự ổn định của hệ sinh thái rừng quanh buôn làng Drang Phốk.

“Với vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng, tôi luôn tuyên truyền cho người dân phải nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuyệt đối không vi phạm các quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tác động lên hệ sinh thái rừng. Giữ gìn hệ sinh thái rừng cũng chính là giữ gìn sự bình yên của buôn làng cho các thế hệ mai sau, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, nhất là trong bối cảnh Biến đối Khí hậu ngày càng gây hậu quả nặng nề," già làng Y Mosk Hra nói.

ttxvn-bao ve rung1.jpg
Người nhận khoán bảo vệ rừng buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thảo luận với lực lượng kiểm lâm trước khi tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Phúc Yên, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Drang Phốk, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết buôn Drang Phốk với đặc thù nằm sâu trong lõi rừng Vườn Quốc gia Yok nên vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ khi có chính sách giao khoán bảo vệ rừng và được sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, người dân trong buôn càng nâng cao nhận thức, thiết thực hành động để bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp Yok Đôn.

“Trạm Kiểm lâm Drang Phốk được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 5 tiểu khu với 5.000 ha rừng, trong đó giao khoán cho người dân buôn Drang Phốk bảo vệ hơn 800 ha. Diện tích được giao quản lý bảo vệ rất rộng nhưng nhân lực hạn chế là một trong những khó khăn lớn của lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, sự chung tay góp sức từ phía người dân nhận khoán đã giảm phần nào áp lực cho lực lượng kiểm lâm trong các hoạt động tuần tra, kiểm soát rừng, gỡ bẫy thú rừng, phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Nhờ vậy, những năm gần đây đã hạn chế được tình trạng xâm hại hệ sinh thái rừng trên địa bàn được giao quản lý bảo vệ," ông Nguyễn Phúc Yên chia sẻ.

Ông Phan Thanh Hòa, Hạt Phó hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích rất rộng, tiếp giáp với nhiều cộng đồng dân cư, đời sống của nhân dân trong vùng còn nghèo, khí hậu khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ nên việc người dân tác động vào rừng khá nhiều, gây ra áp lực giữ rừng rất lớn đối với Vườn.

ttxvn-bao ve rung4.jpg
Quá trình tham gia trực tiếp quản lý bảo vệ rừng đã nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng khộp duy nhất ở Việt Nam - Vườn quốc gia Yok Đôn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong khi đó, địa bàn Vườn khá rộng nhưng lực lượng mỏng, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn có 183 người, được tổ chức thành 17 trạm kiểm lâm, trung bình một kiểm lâm quản lý gần 700 ha rừng. Ngoài ra, đặc thù địa hình rừng của Vườn tương đối bằng phẳng, ít đồi núi, chủ yếu là rừng khộp, mật độ cây rừng rất thưa nên các đối tượng dễ dàng ra, vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và săn bắt động vật hoang dã, đe dọa đến đa dạng sinh học của Vườn.

Từ năm 2009, việc triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, gắn quyền lợi với trách nhiệm giữ rừng cho các cộng đồng sống gần rừng đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đã phát huy được vai trò của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong quản lý bảo vệ rừng, đồng thời giảm bớt phần nào những khó khăn cho lực lượng kiểm lâm.

Theo ông Phan Thanh Hòa, Vườn Quốc gia Yok Đôn đang giao khoán quản lý bảo vệ rừng đến 17 thôn/buôn vùng đệm với 2.769 hộ dân, diện tích 17.500 ha. Năm 2024, kinh phí dự kiến triển khai là 7 tỷ đồng. Đến nay, Vườn đã tiến hành nghiệm thu và chi trả tiền khoán bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2024 cho cộng đồng 17 thôn/buôn với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Sau nhiều năm gắn bó trong quản lý bảo vệ rừng, mối quan hệ giữa lực lượng kiểm lâm và nhân dân nhận khoán ngày càng chặt chẽ, nhân dân trở thành “tai mắt” của lực lượng chức năng, góp phần đáng kể vào việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật và cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp duy nhất ở Việt Nam - Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Ông Phan Thanh Hòa cho biết thời gian tới, Vườn Quốc gia Yok Đôn tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng; phát huy “sức dân” trong quản lý bảo vệ rừng, để người dân sống gần rừng trở thành một trong những chủ thể quan trọng tham gia giữ rừng và bảo tồn hệ sinh thái rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục