Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ đồng hành cùng nạn nhân da cam

20 năm qua, các Hội Nạn nhân da cam thành viên ở các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã làm tốt công tác vận động, huy động được khoảng 180 tỷ đồng giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân da cam và gia đình họ.

Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, tập trung công tác giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống cho các nạn nhân thông qua việc chơi mà học. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, tập trung công tác giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống cho các nạn nhân thông qua việc chơi mà học. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam kéo dài trong 10 năm (1961-1971), với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin) đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có khoảng 3,2 triệu người là nạn nhân, sinh sống tại khắp các tỉnh, thành phố.

Tuy chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam, những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hàng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy. Xoa dịu “nỗi đau da cam” là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội.

Những mô hình hiệu quả đồng hành cùng nạn nhân da cam

Thời gian qua, việc thực hiện chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương của Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ; được nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế quan tâm, ủng hộ thực hiện. Công tác này được đẩy mạnh, đến nay đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.

Theo kết quả khảo sát, thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 50.000 người bị phơi nhiễm, với gần 20.000 người trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng thế hệ thứ 3, thứ 4 có khoảng 650 người bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Đến nay, Hà Nội có trên 1.900 nạn nhân chất độc da cam đã từ trần. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, thế hệ 2, 3, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, sinh con dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu nhập. Số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ cận nghèo vẫn còn (tỷ lệ chiếm khoảng 30% trong số gia đình nạn nhân). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

ttxvn_da cam1.jpg
Một nạn nhân da cam tham dự tọa đàm "Khát vọng vươn lên" hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

20 năm qua, các Hội Nạn nhân da cam thành viên ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã làm tốt công tác vận động, huy động được khoảng 180 tỷ đồng giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân và gia đình họ ổn định cuộc sống. Trong đó, trợ cấp thường xuyên, đột xuất 2.031 lượt người; sửa nhà, làm nhà mới được 209 nhà; cấp học bổng cho 153 người; cấp 574 xe lăn, xe đạp; tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 54.189 lượt người; hỗ trợ 60 gia đình mua bò giống sinh sản. Ngoài ra, các cấp hội còn trao tặng sổ tiết kiệm, tiền mặt, quà trong dịp lễ, Tết; riêng Quỹ tự nguyện đạt hơn 9 tỷ đồng; cho 1.719 gia đình nạn nhân vay làm kinh tế.

Hằng năm, các cấp Hội tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, đưa nạn nhân vào nuôi dưỡng, chăm sóc điều trị tại “Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thành phố Hà Nội,” tổ chức đưa nạn nhân đi giải độc, điều trị tại trung tâm của Trung ương hội Nạn nhân da cam Việt Nam; phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Đông y; Hội Liên hiệp phụ nữ làm thủ tục để nạn nhân tham gia các tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí; tặng quà ngày lễ, tết; hỗ trợ tiền xây, sửa chữa nhà và nhiều hoạt động khác,…

Với những thành tích xuất sắc đạt được, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân thành phố tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua (năm 2014, 2016, 2018); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (năm 2021, 2023) và được các sở, ban, ngành thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Không đầu hàng trước khó khăn

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nạn nhân da cam và con cháu của họ như giúp đỡ việc làm, xây nhà tình nghĩa, tẩy độc, khám, chữa bệnh, xây Trung tâm bảo trợ xã hội,…

Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin mà trong đó phần lớn là các cựu chiến binh đã phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ không đầu hàng trước số phận. Nhiều cựu chiến binh sau khi xuất ngũ về địa phương đã dùng những năm tháng còn lại của cuộc đời huy động được hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ những đồng đội, cùng các con và cháu nạn nhân da cam/dioxin để vượt qua nỗi đau và thiệt thòi của cuộc sống.

Trở về từ chiến trường Quảng Trị, người lính Nguyễn Kim Định ở Kim Thành, tỉnh Hải Dương, không biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chỉ khi người con gái đầu bị khuyết tật ông mới thấu hiểu nỗi đau da cam sau chiến tranh. Thế nhưng với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ không lùi bước trước mưa bom bão đạn khi trở về ông cũng quyết không bi quan, không đầu hàng số phận.

Ông Nguyễn Kim Định chia sẻ được trở về là đã rất may mắn hơn các liệt sỹ vì chính ông khi ở chiến trường đã tự tay chôn nhiều đồng đội. Mỗi khi nghĩ đến con, ông vẫn nghĩ đến đó thật sự là niềm hạnh phúc.

Từ chiếc máy may đầu tiên, ông Định đã dạy con gái của mình là chị Chanh tập may. Những đồng chí, đồng đội của ông cũng giúp sức rất nhiều, khi thì tìm đầu ra, khi thì kết nối khách hàng để con gái của ông có thể làm chủ xưởng may, tạo việc làm cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

ttxvn_trung tuong Nguyen Huu chinh.jpg
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Hữu Chính tặng quà cho bà Trịnh Thị Linh Phượng (thứ 2 từ trái qua), nạn nhân chất độc da cam của thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính cho biết ai ủng hộ bao nhiêu cũng đều đáng quý, qua đó, Hội sẽ giúp đỡ được nhiều nạn nhân, thắp lên những tia hy vọng cho sự sống của nạn nhân. Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ chính là không đầu hàng số phận, biết vượt lên trong lúc khó khăn nhất.

20 năm kể từ khi thành lập (1994-2004), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động được hơn 4.049 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật); xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, xông hơi giải độc; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tìm việc làm, khám chữa bệnh… Sáu tháng đầu năm 2024, Hội đã vận động được hơn 348 tỷ đồng, chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 320 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn.

Các cấp hội xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả 26 trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước, thực hiện tốt việc xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú; dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục nghìn nạn nhân. Hội đã và đang phối hợp thực hiện hơn 30 dự án hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, Hội cũng đã hoàn thành cơ bản quy trình xông hơi giải độc ổn định tại hơn 10 cơ sở ở trong nước. Đến nay, các cơ sở đã tổ chức xông hơi, giải độc, nâng cao sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người đạt kết quả tốt, không để xảy ra tai biến về y tế.

Cùng đó, Hội phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng chục nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn; điều tra, khảo sát, lập hồ sơ nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, làm cơ sở để đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân.

Hậu quả của chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, lâu dài. Việc đồng hành của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội, để khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, đòi lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam là rất cần thiết. Sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội sẽ giúp nạn nhân chất độc da cam họ được xoa dịu nỗi đau cả về thể xác, tinh thần, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục