Ngày 28/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) đã công bố những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khảo cổ học và ứng dụng công nghệ, thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (28/4/2011-28/4/2021).
Kinh thành cổ là nền tảng cốt yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Việc nghiên cứu chuyên sâu các kinh thành cổ Việt Nam có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng rõ lịch sử hình thành và phát triển của các nền văn hóa, văn minh Việt Nam, sáng rõ giá trị lịch sử, văn hóa của các trung tâm chính trị lớn của đất nước, góp phần minh chứng vị thế vai trò của Việt Nam trong lịch sử khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng trong việc tư vấn hoạch định chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
[Công bố nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng ở Hoàng thành Thăng Long]
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang nhấn mạnh trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trên hai lĩnh vực lớn là nghiên cứu khoa học và thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.
Giai đoạn năm 2021-2025, bên cạnh công tác kiện toàn bộ máy, ổn định cơ cấu tổ chức, Viện Nghiên cứu Kinh thành tập trung tổ chức, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long,” phấn đấu kết thúc đúng tiến độ vào năm 2025.
Giai đoạn tới, Viện tiếp tục thực hiện Đề án Óc Eo giai đoạn 2; khai quật, nghiên cứu Di tích Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác...
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho biết Viện Nghiên cứu Kinh thành luôn chủ động thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao phó và đã có nhiều thành tựu quan trọng.
Nổi bật là thực hiện Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long” và nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ).”
Ngoài ra, Viện đã tổ chức dự án nghiên cứu, khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang tại Hưng Hà, tỉnh Thái Bình năm 2014-2017, viên ngọc quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần hiện nay.
Cùng với đó, di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần tại Pù Lườn Xe đã được phát hiện, nằm trong quần thể di tích kiến trúc Phật giáo Hắc Y-Bến Lăn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái năm 2016. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm được di tích lò nung vật liệu trang trí mái kiến trúc thời Trần...
Phát huy thành tựu của khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành đưa những hiện vật vào các dự án thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa được thể hiện rất ấn tượng ở các dự án như Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội,” Dự án “Trưng bày quảng bá di sản văn hóa thời Đinh-Tiền Lê” tại Di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)...
Tại Lễ kỷ niệm, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giới thiệu bộ phim được phục dựng dưới dạng 3D dựa trên huyền thoại lịch sử và tư liệu khảo cổ học.
Đây là lần đầu tiên Rồng thời Lý hiện lên sinh động và rõ nét, thể hiện được giá trị văn hóa của một trong những triều đại huy hoàng trong lịch sử kinh đô Thăng Long xưa.
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Kinh thành vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc thực hiện Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc./.