Phát huy giá trị Di tích Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch

Ngôi nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch tuy đơn sơ, giản dị nhưng là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời, nơi Người đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng.
Phát huy giá trị Di tích Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch ảnh 1Khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ngày 17/5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề: “65 năm nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch."

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch (17/5/1958-17/5/2023); 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh tọa đàm là dịp để các đại biểu, nhà khoa học, các cán bộ quản lý di tích nghiên cứu, trao đổi và tôn vinh những công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam; bổ sung những tư liệu về ngôi nhà sàn, những sự kiện lịch sử trong thời gian Người sống và làm việc tại đây; làm sâu sắc thêm tình cảm, sự quan tâm của Đảng và nhân dân đối với Bác Hồ…

Tọa đàm cũng là dịp để những người làm công tác bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn trao đổi, chia sẻ và rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Nhà sàn và nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan ngày một tốt và hiệu quả hơn.

[Phát hành bộ tem bưu chính Nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch]

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và phân tích, làm rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Di tích Nhà sàn trong quần thể Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn ngày một tốt hơn.

Một số ý kiến tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác quản, bảo tồn Di tích Nhà sàn; vấn đề áp dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn trong giai đoạn hiện nay.

Sau kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Giữa tháng 12/1954, Người bắt đầu chuyển về sống và làm việc tại khu vực Phủ Chủ tịch.

Bốn năm đầu, Người sống và làm việc trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho phủ toàn quyền Đông Dương. Nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc được tốt hơn nhưng Người đều từ chối.

Đến tháng 3/1958, trong chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác nhìn thấy bản làng có nhiều đổi thay, nhiều nếp nhà sàn mới, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Người rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác một ngôi nhà mới, theo Bác nên làm 1 ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao, theo kiểu ngôi nhà của đồng bào Việt Bắc.

Thực hiện mong muốn ấy của Người, sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà sàn được hoàn thành ngày 17/5/1958. Ngay sau đó, Bác Hồ chính thức chuyển về ở và làm việc tại đây.

Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị nhưng là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời (1958-1969).

Tại đây, trên cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại như: tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958); “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” (1965); “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” (1966)...

Hiện nay, Khu di tích đã trở thành một “địa chỉ đỏ,” một “trường học thực tiễn” cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng nhân dân đến tham quan, nghiên cứu và học tập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục