Phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ cúng Rừng của người Cờ Lao

Lễ cúng Rừng là một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.
Thầy cúng tái hiện lại nghi thức cúng Rừng của của người Cờ Lao, thôn Má Trề, xã Sính Lủng. (Nguồn: Báo Hà Giang)

Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) vừa tổ chức Lễ cúng Rừng và công bố quyết định, trao chứng nhận “Lễ cúng Rừng của người Cờ Lao” xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao Chứng nhận “Lễ cúng Rừng của người Cờ Lao” xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn là Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia cho lãnh đạo và nhân dân xã Sính Lủng.

Lễ cúng Rừng là một tập quán xã hội và tín ngưỡng có từ lâu đời của người Cờ Lao tại thôn Má Chề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước - những yếu tố rất cần để đảm bảo cho cuộc sống của con người.

Người Cờ Lao quan niệm rằng thế giới bao gồm 3 bộ phận cấu thành đó là: Trời, đất và nước.

Người dân tham gia phần thi đẩy gậy tại buổi lễ. (Nguồn: Báo Hà Giang)

Người Cờ Lao chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Họ cho rằng tất cả mọi vật sống như cây cối, hoa màu, ngô, các loại vật nuôi đều có linh hồn.

Chính vì vậy người Cờ Lao quan niệm rằng muốn có cuộc sống an lành, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt không ốm đau, bệnh tật và hoa màu phát triển tốt, vật nuôi mau lớn, không có dịch bệnh thì cần phải tiến hành nhiều lễ cúng. Bởi thế người Cờ Lao luôn chú trọng việc cúng các thần là rất quan trọng, đặc biệt là lễ cúng thần rừng mang ý nghĩa cộng đồng cao và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lễ cúng thần Rừng người Cờ Lao tại thôn Má Chề được diễn ra vào khoảng từ 7-9 giờ sáng. Trong năm chỉ có 3 ngày là cúng được “Lùng phàng mí sính” theo âm lịch, đó là ngày mùng 3/3, ngày mùng 9/9 hoặc ngày 29 tháng Chạp âm lịch.

Các hộ gia đình góp tiền để chuẩn bị lễ vật trước 2-3 ngày và thông báo cho người thân trong gia đình về dự lễ đông đủ.

Lễ công bố quyết định, trao chứng nhận “Lễ cúng Rừng của người Cờ Lao” xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia. (Nguồn: Báo Hà Giang)

Lễ vật dâng cúng gồm một con dê đực, một con gà, hai chai rượu, gạo, vàng hương, giấy bản và một số vật dụng khác... sử dụng trong quá trình thực hiện Lễ cúng thần rừng.

Người Cờ Lao không giống như các dân tộc khác là phải lập miếu thờ mà chỉ chọn một chỗ tương đối bằng phẳng ở bên cạnh khe đá tại địa điểm có gốc cây to trong khu rừng cấm của thôn để thờ cúng Lễ cúng thần rừng.

Tại nơi đàn cúng cũng không quy định đặt bao nhiêu bát hương mà chỉ có một bát hương cúng chung cho tất các các vị thần bát hương được đặt trên phiến đá to, phía dưới để 3 chiếc chén vại trên phiến đá bằng phẳng.

Ở đây lễ cúng được thực hiện qua hai bước đó là: Cúng sống và cúng chín. Các loại lễ vật được người dân trong thôn đóng góp bằng tiền để mua chung để thể hiện sự đoàn kết cộng đồng của cả làng và cầu nguyện cho tất cả người dân trong thôn quanh năm 12 tháng bình an, khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật... hoa màu phát triển tốt, vật nuôi mau lớn, không bị dịch bệnh.

Lễ cúng thần rừng đóng vai trò quan trọng như tiếp thêm sức mạnh cho người dân, giúp họ luôn tin tưởng vào sự hiện diện của các đấng thần linh luôn song hành trong cuộc sống, ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, gặp khó khăn...

Đồng thời thông qua việc tổ chức lễ cúng sơn thần thổ địa còn góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về lịch sử, bảo vệ môi trường sống.

Nhân dịp trao bằng Chứng nhận Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia cho Lễ Cúng rừng của người Cờ Lao, huyện Đồng Văn đã tổ chức chương trình lễ hội cúng rừng.

Phần lễ có các nghi thức cúng thần Rừng tại khu rừng thiêng thôn Má Trề, do các nghệ nhân dân gian là thầy cúng người Cờ Lao thực hiện; phần hội diễn ra các trò chơi thể thao truyền thống như thi đan lát; kéo co, đẩy gậy và giao lưu văn nghệ giữa người Cờ Lao với các dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia và cổ vũ.

Hoạt động nhằm thúc đẩy người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; khôi phục những nét đẹp truyền thống, tạo động lực thúc đẩy văn hóa, kinh tế-xã hội ở địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục