Chiều 28/1, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội.
Việc sáp nhập của Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát huy giá trị di sản đô thị và phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm.
Việc sáp nhập được thực hiện theo nguyên tắc chuyển nguyên trạng toàn bộ các nội dung: Nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản, vật tư, đất đai, máy móc, trang thiết bị, hồ sơ công việc chuyên môn... bảo đảm giữ nguyên tài sản Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người lao động.
[Phố cổ Hà Nội chính thức mở rộng không gian đi bộ phía Nam]
Để Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ mà hai Ban đang thực hiện là phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cùng với đó, kịp thời ổn định bộ máy, ban hành quy chế hoạt động của đơn vị; rà soát, xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động cũng như chỉ đạo triển khai ngay các nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Quận Hoàn Kiếm được chia thành 4 khu vực gồm: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu vực ngoài đê. Trong đó Hồ Hoàn Kiếm là địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch của Thủ đô và cả nước, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Còn khu Phố cổ Hà Nội-Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2004 là quần thể di sản đô thị gắn liền với lịch sử hình thành của Thăng Long-Hà Nội./.