Giữa hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long ngổn ngang gạch đá, chồng chất các địa tầng, phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phấn khởi “khoe” rằng ông cùng các chuyên gia vừa có nhiều phát hiện giá trị liên quan đến diện mạo điện Kính Thiên, một biểu tượng thiêng liêng của lịch sử nghìn năm Thăng Long.
Việc phát lộ những dấu tích kiến trúc quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long cũng đặt lên vai những người làm công tác khảo cổ một trọng trách cao cả, đó là làm thế nào để gìn giữ và phát huy các giá trị quý báu của di sản cho muôn đời sau.
Đó cũng là những chia sẻ của phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Càng đi càng thấy đường
- Trước tiên, xin được chúc mừng ông và các đồng nghiệp với những phát hiện mang tính lịch sử tại di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ông có thể "bật mí" với độc giả của VietnamPlus về "chặng đường" để đi tới những kết quả này?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Trong năm vừa qua, công tác khai quật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến cho quá trình bị chậm lại một chút. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhóm chuyên gia đã đẩy nhanh tiến độ để kịp thời hoàn tất công tác nghiên cứu sơ bộ và công bố kết quả khai quật vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Điều này rất có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản cũng như nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn di sản.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440 m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên. Chúng tôi vẫn luôn được chính quyền thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong công tác khai quật và nghiên cứu thường xuyên.
Về mặt khó khăn, công tác khai quật vướng các công trình trên mặt đất hoặc cây xanh cần được bảo vệ. Khó khăn thứ hai là di tích nhiều, độ sâu lớn, mạch nước ngầm khá mạnh nên đã ảnh hưởng tới các thao tác khai quật. Khi đó, chúng tôi phải kết hợp lồng ghép giữa các nhiệm vụ và mục tiêu, tận dụng tối đa biện pháp thoát nước thủ công để phục vụ khai quật.
- Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng của nước ta. Vậy theo ông, đâu là những phát hiện nổi bật của cuộc khai quật năm 2022?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Tại các hố thám sát ở nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên chúng tôi phát hiện Ngự Đạo (lối đi của nhà vua, cắt ngang sân Đan Trì) thời Lê Sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn.
Các dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần cũng tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như: Dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều Đông-Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng. Vì thế, người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường đổ vào đường nước lớn. Thú vị là đáy cống được làm bằng đá phiến có đục 2 lỗ vuông có thể được dùng để cài song sắt chống kẻ gian đột nhập vào hoàng cung.
Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy dấu tích một móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hình hoa sen kép 16 cánh khá nguyên vẹn. Do đó, chúng tôi nghĩ đây có lẽ là một cây cột góc. Nếu khai quật rộng hơn, có lẽ sẽ phát hiện được chân cột hoa sen ở góc đối xứng.
- Trong số đó, có phát hiện nào làm thay đổi các giả thiết từng được đưa ra hoặc mâu thuẫn với các đợt khai quật trước hay không?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Hoàn toàn không có sự trái ngược với các giả thiết trước đây, chỉ có điều hàng gạch vuông lát Ngự Đạo cho thấy cấu trúc sân Đan Trì không đơn giản như nhận thức đã có. Cấu trúc tổng thể của Đan Trì và của không gian rộng 35.000m2 của khu trung tâm Hoàng thành hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà ta chưa thể biết ngay được.
[Có nên hạ giải kiến trúc Pháp để phục dựng toàn vẹn điện Kính Thiên?]
Hầu hết quy mô và cấu trúc của kiến trúc thời Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối và khó hiểu, thậm chí là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể di sản. Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, vẫn luôn cần nghiên cứu từng bước. Quả thực, chúng tôi càng đi càng thấy đường, càng đào xới thì diện mạo khu cấm thành ngày càng hiển hiện rõ ràng.
Phải làm cho di sản "sống"
- Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những phát hiện khảo cổ học lần này trong việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Cuộc khai quật năm 2022 đã phát lộ nhiều tư liệu rất mới, giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm các di tích khảo cổ ở khu vực trung tâm qua hàng nghìn năm lịch sử, qua đó làm rõ rất nhiều giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, nhất là có thêm nhiều tư liệu mang tính xác thực cao để khôi phục không gian điện Kính Thiên.
- Nói đến việc khôi phục điện Kính Thiên, nhiều chuyên gia đề xuất di dời, hạ giải kiến trúc Pháp của nhà Cục Tác chiến, cũng là một bộ phận của khu di sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới rất đặc biệt, đó là di sản khảo cổ học giữa lòng đô thị, phần lớn chìm dưới lòng đất, như vậy nghĩa là rất khó xử lý. Ngoài ra, phần di sản trên mặt đất thì đan xen với nhiều công trình có hoặc không có giá trị toàn cầu theo tiêu chí của UNESCO.
Bài toán "cân não" ở đây là phải lựa chọn ưu tiên cái gì vì thực tế là không thể giữ lại tất cả. Việc hạ giải hay không là câu chuyện hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, sẽ phải khảo sát, đánh giá thật kỹ.
- Nhìn từ kết quả thu được trong quá trình nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào với di sản văn hóa?
Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín: Tôi rất tâm đắc với quan điểm của phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia rằng “còn di tích thì còn khai quật,” tránh tình trạng “thầy bói xem voi” nghĩa là phải tìm hiểu đến tận cùng thì mới có thể đưa ra đánh giá tổng thể về giá trị của di sản.
Ngoài ra, các chuyên gia và nhà quản lý phải xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên những di sản đã được tìm thấy đồng thời tăng cường giáo dục di sản, để nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ về giá trị của di sản. Đó là điều đương nhiên phải làm.
Các giải pháp bảo tồn, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị cần được xây dựng một cách đồng bộ theo các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý và các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, khảo cổ cùng sự phối hợp giữa các chuyên gia trong và ngoài nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!