Tự kỷ từng là nỗi hoang mang lo lắng rất lớn cho nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, tự kỷ không đáng sợ như cha mẹ vẫn thường lo sợ. Bởi có những thời điểm vàng trong điều trị có thể giúp trẻ phát triển và hoà nhập vào cuộc sống.
Phát hiện sớm - Cơ hội lớn
Các phụ huynh có con tự kỷ khi phát hiện đều lo sợ và đặt ra rất nhiều câu hỏi như Tự kỷ có phải là “bệnh” không? Có thật là con mình mắc chứng tự kỷ không? Nếu mắc, phải làm gì giúp con trưởng thành, sống và làm việc như những người khác?
Trên thực tế, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển phổ biến ở trẻ. Rối loạn này có thể xảy ra ở một trẻ trong gia đình, còn trẻ khác thì không sao hoặc có biểu hiện rõ ràng ở trẻ này nhưng lại khó có thể phát hiện ra ở trẻ khác.
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, trong việc hiểu và thể hiện được cảm xúc. Bên cạnh đó, sở thích, hoạt động của trẻ rất giới hạn và lặp đi lặp lại dẫn đến hạn chế trong tương tác xã hội.
Tuy nhiên, trẻ vẫn có tính cách, năng lực, phẩm chất và trí tuệ riêng. Vì vậy, cuộc sống của trẻ tự kỷ vẫn có thể thay đổi nếu được tiếp nhận can thiệp tích cực vào đúng những thời điểm quan trọng mà bố mẹ không được phép bỏ lỡ.
Theo bà Hồ Thị Huyền Thương - Thạc sỹ phân tích hành vi ứng dụng (ABA), phổ tự kỷ rất rộng, có các bạn ở mức độ bị tác động nhẹ hơn và cũng có những bạn gặp nhiều khó khăn hơn.
Với những trẻ có tự kỷ nhưng không kèm theo khuyết tật trí tuệ hoặc các dạng tật khác, trẻ có thể nhạy hơn với can thiệp, tiến bộ rất nhanh về ngôn ngữ và tương tác xã hội, giảm nhanh chóng các hành vi không phù hợp và cơ hội hòa nhập tốt hơn. Nhóm này có cuộc sống khá độc lập khi trưởng thành.
Với nhóm trẻ có nhiều khó khăn hơn, thì tốc độ học tập có thể chậm hơn. Có những trẻ sẽ cần môi trường chuyên biệt trong khoảng thời gian dài hơn và cần nhiều hỗ trợ, khi đó, ưu tiên can thiệp là giúp trẻ giao tiếp được các nhu cầu cơ bản, tự chăm sóc bản thân và làm được một số việc nhà.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện, can thiệp sớm từ khi trẻ 2-3 tuổi, và thậm chí là ngay từ 6 tháng khi trẻ có các dấu hiệu sớm, theo hướng tích cực, đúng phương pháp, hầu hết người tự kỷ đều tiến bộ và tham gia được nhiều hoạt động hơn, cơ hội hòa nhập cũng tăng lên rất nhiều.
[‘Tình yêu của mẹ’: Một thế giới đầy ắp cảm xúc của trẻ tự kỷ]
Đồng quan điểm với nhiều nhà chuyên môn khác trong lĩnh vực này, bà Thương nhấn mạnh: “Điều mang lại sự thuận lợi lớn để thúc đẩy sự phát triển ở trẻ chính là thời điểm phát hiện. Thời điểm vàng là lúc trẻ dưới 3 tuổi. Khi đó những chương trình can thiệp thực sự phát huy được tác dụng tốt nhất, giúp con phát triển tốt về nhận thức, tương tác tốt với các thành viên trong gia đình và bạn bè.
Đương nhiên, các bạn qua 3 tuổi nếu có những khó khăn thì can thiệp vẫn rất hiệu quả để hỗ trợ. Khi con 5, 6 tuổi, con sẽ cần hỗ trợ các kỹ năng xã hội và hiểu tâm trí của người khác để thích nghi trong môi trường bạn bè. Đến khi dậy thì con cần hỗ trợ về giáo dục giới tính, hay dạy nghề nếu không theo học đại học. Can thiệp có thể ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nếu bắt đầu được càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt."
Thời điểm bước ngoặt
Vấn đề đặt ra là làm sao để phát hiện sớm trẻ tự kỷ để không bỏ qua thời điểm quyết định cuộc đời trẻ. Hiệp hội nhi khoa của Mỹ đã đưa ra lời khuyên với tất cả các bậc phụ huynh là nên thực hiện những sàng lọc phát triển vào thời điểm trẻ được 9 tháng, 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng và sàng lọc tự kỷ lúc trẻ 18 hoặc 24 tháng.
Tại các thời điểm này, nếu trẻ thể hiện những dấu hiệu bất thường, các chuyên gia sẽ thực hiện thêm các bài test để làm rõ trẻ mắc chứng tự kỷ hay không.
Chị H.T.T (Nam Định) có con hơn 2 tuổi, chậm phát triển chia sẻ: “Khi con được 23 tháng, tôi phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường ở con, nên tôi đã làm trắc nghiệm với bảng câu hỏi ASQ-3 dành cho trẻ từ 0-66 tháng tuổi cũng như bảng câu hỏi MCHAT-R, có trên webiste a365.vn.
Sau đó đều đặn hai tháng một lần, tôi đều làm test như A365 khuyến cáo để kiểm tra xem con mình có thay đổi tiến bộ không. Đồng thời xem các phần hướng dẫn trò chơi bố mẹ có thể chơi cùng con để hỗ trợ cho sự phát triển của con."
Bà Thương cho biết: “Việc can thiệp sớm theo các phương pháp có bằng chứng sẽ giúp trẻ phát triển và tác động tích cực tới cuộc sống của trẻ nhưng bản thân mỗi trẻ tự kỷ lại rất khác nhau, thậm chí cùng một trẻ mỗi giai đoạn lại có những thay đổi.
Do đó, cần có các chương trình được thiết kế riêng cho từng trẻ. Điều này đòi hỏi sự đồng hành liên tục và lâu dài của cha mẹ và giáo viên với con. Đồng hành bằng cách tôn trọng sự khác biệt của con, khuyến khích các sở thích và đam mê của con, đồng thời hỗ trợ con vượt qua các khiếm khuyết cốt lõi của tự kỷ, vì mục tiêu của can thiệp không phải là "bình thường hóa" trẻ, mà là giúp con phát triển tốt nhất với tiềm năng của mình.”
Theo bà, cha mẹ và giáo viên cần áp dụng các hình thức can thiệp về ngôn ngữ, cùng trẻ làm những bài tập giúp phát triển giao tiếp, kiên trì hướng dẫn trẻ những hành vi phù hợp để hạn chế những hành vi thách thức. Đồng thời hiểu về sự khó khăn khi giao tiếp của trẻ để có thêm các tài liệu hình ảnh và máy móc phần mềm hỗ trợ giao tiếp để mọi người xung quanh hiểu được trẻ tự kỷ.
Phát hiện sớm, kiên trì đồng hành với con sẽ là hành trang tốt nhất cha mẹ có thể mang lại cho con tự kỷ để tăng khả năng hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và đóng góp cho xã hội./.
CHÀO ĐÓN 2/4 - NGÀY CỦA TỰ KỶ VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỘT TRĂM NGHÌN CHỮ A ỦNG HỘ NGƯỜI TỰ KỶ |