Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) ngày 13/2 thông báo vận động viên trượt băng tốc độ cự ly ngắn người Nhật Bản Kei Saito đã cho kết quả dương tính khi kiểm tra doping.
Kei Saito là trường hợp đầu tiên bị phát hiện sử dụng chất cấm tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 đang diễn ra tại Hàn Quốc.
Theo CAS, tất cả các mẫu thử cho thấy Kei Saito, 21 tuổi, đã dương tính với chất cấm acetalozamide.
Acetalozamide trên thực tế là hoạt chất được sử dụng trong nhiều loại thuốc điều trị động kinh hoặc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, chất này cũng có tác dụng như "tấm áo tàng hình," theo đó có thể che giấu việc cơ thể hấp thu các chất kích thích giúp đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường thể lực và sự tập trung.
Với kết quả xét nghiệm trên, Kei Saito buộc phải rời khỏi Làng Olympic PyeongChang và sẽ bị cấm thi đấu tại mọi đấu trường cho tới khi có kết quả điều tra chính thức.
[Olympic PyeongChang 2018: Gần 200 trường hợp nhiễm norovirus]
Sáng 13/2, Ủy ban Olympic Nhật Bản đã tổ chức họp báo về trường hợp đáng tiếc của Kei Saito. Phát biểu tại cuộc họp báo, cá nhân Saito cho biết anh rất sốc với kết quả xét nghiệm trên, đồng thời khẳng định mình không sử dụng chất cấm. Tuy vậy, Kei Saito vẫn chấp nhận phán quyết tạm thời của CAS để không làm ảnh hưởng tới các phần thi còn lại của đoàn thể thao Nhật Bản tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.
Theo Trưởng đoàn thể thao Nhật Bản Yasuo Saito, cuộc kiểm tra doping gần nhất với Kei Saito được thực hiện ngày 29/1 vừa qua và kết quả khi đó là âm tính.
Nhật Bản vốn nổi tiếng là nước có nền thể thao "sạch." Đất nước Mặt Trời mọc sẽ là nơi tổ chức kỳ Olympic tiếp theo - Olympic mùa Hè 2020, đồng thời đang chạy đua đăng cai Olympic mùa Đông 2026. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các vận động viên của nước này liên tiếp "gặp sự cố chất kích thích."
Hồi tháng trước, vận động viên đua thuyền kayak nổi tiếng của nước này Yasuhiro Suzuki đã bị phát hiện dương tính với anabolic steroid (một loại hoócmôn kích thích phát triển cơ), theo đó bị cấm thi đấu trọn đời.
Trước đó, hồi tháng Chín và tháng 10/2017, một đô vật và một vận động viên bơi của Nhật cũng cho kết quả dương tính với chất kích thích và bị cấm thi đấu lần lượt hai năm và bảy tháng.
Trong lịch sử, trường hợp dùng doping gây chấn động nhất của Nhật Bản là tại Olympic mùa Hè 1984 ở Los Angeles (Mỹ), khi toàn bộ đội tuyển bóng chuyền nam của nước này bị cấm thi đấu do sử dụng chất kích thích./.