Phát hiện thi thể nhà leo núi Đức mất tích gần 4 thập kỷ nhờ tan băng

Thi thể của một nhà leo núi người Đức mất tích cách đây 37 năm gần ngọn núi Matterhorn của Thụy Sĩ vừa được tìm thấy nhờ quá trình tan băng.
Phát hiện thi thể nhà leo núi Đức mất tích gần 4 thập kỷ nhờ tan băng ảnh 1Hình ảnh về thi thể của nhà leo núi mất tích được công bố. (Nguồn: CNN)

Hiện tượng sông băng tan chảy tại nhiều nơi trên toàn cầu đã dẫn đến sự xuất hiện trở lại của các thi thể và đồ vật được cho là thất lạc từ lâu.

Theo thông báo của cảnh sát bang Valais - miền nam Thuỵ Sĩ vào cuối tháng 7, một số người leo núi đi bộ dọc theo dòng sông băng Theodul ở làng Zermatt của Thuỵ Sĩ đã phát hiện ra một bộ hài cốt cùng một số thiết bị.

“Phân tích dữ liệu di truyền đã xác định được danh tính của một người leo núi mất tích từ năm 1986”, cảnh sát Thuỵ Sĩ cho biết. “Vào tháng 9/1986, một nhà leo núi người Đức, khoảng 38 tuổi, được thân nhân trình báo mất tích sau một chuyến lên núi. Việc tìm kiếm người này vào thời điểm đó đã không thành công.”

Cảnh sát không cung cấp thêm thông tin về danh tính nhà leo núi cũng như hoàn cảnh dẫn tới cái chết của ông. Họ chỉ công bố một bức ảnh chụp chiếc ủng đi bộ đường dài có dây buộc màu đỏ nhô ra khỏi tuyết, cùng với một số thiết bị hỗ trợ đi bộ khác thuộc về người mất tích.

Cảnh sát cho rằng hiện tượng sông băng tan chảy đang làm sáng tỏ ngày càng nhiều những vụ mất tích cách đây vài thập kỷ. Gần đây các nhà khoa học cũng cho biết rằng tháng 7 là tháng nóng nhất mà nhân loại từng chứng kiến. 

“Khi các sông băng tan chảy do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bất kỳ vật chất nào, bao gồm cả những người bị rơi xuống sông rồi bị tuyết chôn vùi sau đó, đều sẽ dần lộ ra”, nhà nghiên cứu về sông băng Lindsey Nicholson tại Đại học Innsbruck, Áo, trả lời phỏng vấn CNN. “Tất cả các dòng sông băng đang tan chảy với tốc độ rất nhanh trên dãy núi Alps ở châu Âu”.

Năm ngoái, các sông băng ở Thụy Sĩ đã ghi nhận tốc độ tan chảy lớn nhất kể từ khi hoạt động thu thập dữ liệu bắt đầu cách đây hơn một thế kỷ. Khoảng 6% lượng băng của các sông băng đã biến mất vào năm 2022, lớn gần gấp đôi so với kỷ lục trước đó lập ra vào năm 2003.

Tốc độ tan chảy trong năm ngoái nghiêm trọng đến nỗi nhiều tảng đá vốn nằm im trong băng tuyết nhiều thiên niên kỷ cũng lộ diện trở lại. Băng tan giúp các thi thể, và thậm chí là những gì còn sót lại của một chiếc máy bay bị mất tích trên dãy Alps cách đây nhiều thập kỷ, được tìm thấy.

Đơn cử như hồi năm 2015, người ta đã tìm thấy hài cốt của hai nhà leo núi Nhật Bản mất tích trên Matterhorn trong trận bão tuyết hồi năm 1970. Danh tính của họ được xác nhận thông qua xét nghiệm DNA. 

“Các sông băng đang trải qua xu hướng tan chảy trong thời gian dài và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục. Những năm tuyết rơi ít sẽ gây ra vấn đề rất đáng báo động”, Nicholson cho biết. “Lượng băng tuyết giảm cũng liên quan đến tình trạng thay đổi nhiệt độ, bởi vì mưa trên sông băng lẽ ra xuất hiện dưới dạng tuyết, giờ lại biến thành nước lỏng. Điều này càng gây hại cho các sông băng”. 

Bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh lập mô hình nhiều kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ngay cả khi thế giới thực hiện được những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, một nửa số sông băng trên thế giới vẫn có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này.

“Nếu tiếp tục xả lượng khí thải lớn như hiện nay, chúng ta sẽ dần mất đi một khu vực băng giá lớn như Alps cho thế hệ sau”, Nicholson cảnh báo.

Sự biến mất của sông băng sẽ có tác động lên nhiều tầng khí hậu, bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho gần 2 tỷ người. Tình trạng tan sông băng cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nước biển dâng cao.

“Một số khu vực trên thế giới phụ thuộc nhiều vào các sông băng hơn chúng ta tưởng,” Nicholson nói thêm. “Trong một số trường hợp, họ dễ bị tổn thương hơn nhiều so với chính dãy núi Alps”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục