Phát hiện nước trong các hạt thủy tinh nhỏ trên Mặt Trăng

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết kết quả phân tích mẫu đất trên Mặt Trăng, được lấy trong sứ mệnh Hằng Nga 5 bằng robot hồi năm 2020, đã thu được những hạt thủy tinh chứa nước bên trong.
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa có thêm phát hiện mới về nước trên Mặt Trăng. (Nguồn: AFP/Aljazeera)

Các nhà khoa học đã phát hiện nước kẹt trong nhiều hạt thủy tinh nhỏ từ những mẫu đất Mặt Trăng. Điều này hứa hẹn một nguồn nước tiềm năng có thể phục vụ các cuộc thám hiểm trong tương lai.

Mặt Trăng từ lâu vẫn được cho là một thiên thể không có nước. Nhưng trong vài thập kỷ qua, một số nhiệm vụ chinh phục không gian đã chỉ ra rằng có nước cả ở trên bề mặt lẫn bên trong các khoáng chất của Mặt Trăng.

Hôm 27/3, lại có thêm một phát hiện mới liên quan tới nước trên Mặt Trăng. Cụ thể, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết kết quả phân tích mẫu đất trên Mặt Trăng, được lấy trong sứ mệnh Hằng Nga 5 bằng robot hồi năm 2020, đã thu được những hạt thủy tinh chứa nước bên trong. Các hạt thủy tinh này thực tế là đá tan chảy vì nhiệt lớn và nguội đi.

Nhà khoa học hành tinh Sen Hu, thuộc Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience, cho biết: “Mặt Trăng liên tục bị bắn phá bởi các tác nhân va chạm, ví dụ như thiên thạch siêu nhỏ và thiên thạch lớn. Chúng tạo ra các hạt thủy tinh, khi hiện tượng đốt nóng nhanh với năng lượng lớn xảy ra.”

Về việc vì sao các hạt thủy tinh này có chứa nước, các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân là do tác động từ gió Mặt Trời.

[Phát hiện hàm lượng nước cao trong các mẫu đất ở Mặt Trăng]

Gió mặt trời là một dòng các hạt tích điện, chủ yếu là proton và electron. Nó được phát ra từ vành nhật hoa, phần ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt Trời và di chuyển khắp Thái dương hệ.

Ông Hu cho biết: “Nước sẽ được tạo ra từ phản ứng của hydro trong gió mặt trời với oxy có trên bề mặt của các hạt thủy tinh trên Mặt Trăng. Khi đó, những quả cầu này hoạt động giống như một miếng bọt biển hút nước.”

Nước lỏng mang ý nghĩa quan trọng sống còn đối với các cuộc khám phá Mặt Trăng trong tương lai, bao gồm cả việc xây căn cứ Mặt Trăng dài hạn, nơi các phi hành gia sẽ làm việc lâu dài. Nước lỏng không chỉ giúp các phi hành gia đảm bảo sự sinh tồn, mà còn có thể dùng làm nhiên liệu cho tàu vũ trụ.

Mặt Trăng vốn không có các thủy vực (đại dương, biển, sông, hồ...), thứ vốn là dấu hiệu đặc trưng của Trái Đất. Nhưng bề mặt của nó được cho là chứa một lượng nước khá lớn, ví dụ như trong các mảng băng nằm ở những vùng tối vĩnh cửu, hoặc bị mắc kẹt trong các khoáng chất.

“Nước là thứ được tìm kiếm nhiều nhất, vì nó cho phép hoạt động khám phá một cách bền vững các bề mặt hành tinh. Tìm ra cách sản xuất, lưu trữ và bổ sung nước gần bề mặt của Mặt Trăng sẽ rất hữu ích cho các nhà thám hiểm trong tương lai,” ông Hu nói.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có triển vọng trong việc thu lấy nước lỏng từ các hạt thủy tinh, có thể là thông qua quá trình gia nhiệt để giải phóng hơi, thứ sau đó sẽ chuyển thành chất lỏng thông qua quá trình ngưng tụ.

Ông Hu cho biết: “Chúng ta có thể đơn giản là làm nóng những hạt thủy tinh này để giải phóng nước chứa bên trong chúng.” Ông cũng cho biết Trung Quốc đã thu được khoảng 1,7kg đất trong sứ mệnh Hằng Nga 5.

Từ mẫu đất này, các nhà khoa học đã lấy ra 32 hạt thủy tinh để nghiên cứu. Mỗi hạt có đường kính từ vài chục đến vài trăm micromet.

Các hạt thủy tinh được tìm thấy có chứa hàm lượng nước lên tới khoảng 2.000 phần triệu, tính theo trọng lượng. Hu cho biết ông tin rằng những hạt thủy tinh này là một phần phổ biến của đất trên Mặt Trăng, có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thiên thể này./.

Cảnh quay tàu vũ trụ trong sứ mệnh Hằng Nga 5 trên một màn hình tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 18/1/2021. (Nguồn: Reuters/Aljazeera)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục