Phát hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...trên địa bàn tỉnh. ()Ảnh: TTXVN)

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các đơn vị chức năng thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, trong quá thực hiện hiện nhiệm vụ, kế hoạch của đơn vị, ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh JOLIE NGUYEN có địa chỉ tại đường Hai Bà Trưng, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) do Phạm Ngọc Đ, sinh năm 1996 làm chủ.

[An Giang: Tạm giữ hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc]

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 343 đơn vị sản phẩm gồm các loại kem dưỡng, kem chống nắng, mặt nạ dưỡng da, nước tẩy trang, sữa rửa mặt, xịt khoáng, son môi thuộc các nhãn hiệu AVÈNE, VICHY, BIODERMA, LA ROCHE-POSAY, EVOLUDERM, LANEIGE, INNISFREE…có xuất xứ tại các nước: Pháp, Hàn Quốc, Belarus, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada. Toàn bộ số hàng hoá nói trên có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hoá nói trên. Theo cơ quan chức năng, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 11, Đội quản lý thị trường số 5 thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cũng đã cùng phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, bắt quả tang Phạm Văn Đoàn sinh năm 1977, trú tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vận chuyển gần 17.000 chai dầu gội, sữa tắm, phấn rôm được sản xuất tại Thái Lan, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, các mặt hàng này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục