Qua kiểm tra đột xuất chất lượng một số hạng mục trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình của dự án này.
Tại kết luận kiểm tra số 12087/KL-BGTVT do Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Thành Hà ký khẳng định, một số hạng mục của dự án thi công không đúng thiết kế; kiểm tra nghiệm thu hạng mục và bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng không đúng quy định; công tác duy tu chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; đại diện chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu không kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng để khắc phục các hư hỏng của công trình theo đúng quy định.
Cụ thể, đoàn kiểm tra tại hiện trường qua quan sát bằng mắt thường, thước thép và tài liệu thu thập cho thấy, các trụ T112, T203, T173, T209, T296 có hiện tượng nứt, bong tróc lớp bê tông bảo vệ ngay sát phía dưới một số Ụ chống xô. Diện tích các bề mặt bị nứt, bong tróc không đều nhau, có trụ bong tróc tới 2m2, sâu khoảng 3-4cm.
Kiểm tra chi tiết hơn, tại các vị trí nứt vỡ bê tông bảo vệ xà mũ của các trụ T112 và T203 không có lớp đệm 20mm như thiết kế bản vẽ thi công, hoặc nếu có thì chiều dày lớp đệm chỉ dày từ 1mm đến 4mm. Hơn nữa, lớp đệm này lại được thi công bằng giấy dầu, bề mặt xà mũ và đáy dầm không bằng phẳng. Vì vậy, khoảng hở giữa đáy Ụ trống xô và bề mặt xà mũ rất nhỏ, tì sát lên nhau không đúng theo thiết kế kỹ thuật đươc phê duyệt theo quy định. Ngoài ra, một số vị trí Ụ chống xô ở đáy dầm ngang bị nứt vỡ lớp bê tông ngoài.
Đối chiếu với Hồ sơ thiết kế, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng phát hiện Tư vấn thiết kế ghi 20mm lớp đệm giữa đáy Ụ chống xô và bề mặt xà mũ. Trong khi đó, thiết kế bản vẽ tiêu chuẩn được duyệt chỉ ghi 20mm lớp đệm bằng Celotex hoặc lớp tương đương.
Khi kiểm tra hồ sơ hoàn công dầm ngang, xà mũ trụ T112 và trụ T203 cho thấy, không có đề cương của tư vấn giám sát; biên bản nghiệm thu lớp đệm đều nghiệm thu là vật liệu Celotex dày 20mm theo đúng bản vẽ thiết kế (nhưng thực tế thi công và nghiệm thu không đúng với thiết kế kỹ thuật); không có một văn bản nào để chứng minh chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã chấp thuận cho thay thế lớp đệm Celotex bằng giấy dầu theo quy định.
“Thực tế, lớp đệm được thi công bằng giấy dầu và không đủ chiều dầy, cự ly không đúng thiết kế theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt theo quy định, nghiệm thu trên giấy,” kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ.
Trước những tồn tại, sai sót này, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ làm rõ trách nhiệm đưa ra hình thức xử lý đối với tập thể và cá nhân theo phân cấp và theo từng thời kỳ bao gồm: Tổng Giám đốc, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, các phòng nghiệp vụ và cá nhân có liên quan đến dự án; Tổ chức tư vấn giám sát, Tư vấn trưởng, Tư vấn giám sát hiện trường để xảy ra những sai sót, vi phạm trong công tác thi công, quản lý chất lượng, nghiệm thu.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long tạm dừng thanh toán các kinh phí còn lại của dự án để các đơn vị khắc phục sửa chữa đạt yêu cầu mới cho thanh toán, quyết toán; rà soát các điều khoản của hợp đồng để xử phạt về kinh tế các hành vi vi phạm theo đúng quy định đồng thời toàn bộ kinh phí sửa chữa khắc phục các hạng mục hư hỏng của dự án do các đơn vị thi công tự chịu trách nhiệm./.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương được được khởi công từ tháng 12/2004 và thông xe vào tháng 2/2010. Tuyến đường này dài 61,9km, gồm 2 hệ thống đường gồm phần đường cao tốc dài 40km có điểm đầu tại Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và điểm cuối tại xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và các tuyến đường nối dài 21,9km. Vận tốc thiết kế 120km/giờ với 8 làn xe với tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.