Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai dự án khoa học “Điều tra, bảo tồn các loài chim quý, hiếm, nguy cấp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (giai đoạn 2016-2018), huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa" nhằm xác định số lượng, sinh cảnh sống để hướng tới bảo tồn nguyên trạng các loài chim.
Đến thời điểm này, trong khuôn khổ dự án đã phát hiện 252 loài chim quý hiếm thuộc 55 họ, 17 bộ; trong đó họ Khước có nhiều nhất với 29 loài; họ Dớp Ruồi có 15 loài; có 5 loài chim quý hiếm, nguy cấp đã có tên trong sách đỏ Việt Nam như gà lôi trắng (Lophura nycthemera); gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum); hồng hoàng (Buceros bicornis); niệc nâu (anorrhinus tickelli); khướu mỏ dài (jabouilleia danjoui)…
[Bàn giao chim Hồng Hoàng quý hiếm cho Chi cục kiểm lâm Tây Ninh]
Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có địa hình hiểm trở, các dãy núi đá bị chia cắt bởi những thung lũng sâu, quỹ đất canh tác, sản xuất hạn chế, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, phải sống dựa vào tài nguyên rừng. Tình trạng khai thác, săn bắn trái phép các loài động vật thực vật quý hiếm xảy ra liên tục, đặc biệt là các loài chim quý hiếm, nhiều người dân đã dùng súng tự chế, bẫy để săn bắt chim. Các loại bẫy thường được người dân đặt dọc đường mòn để bắt các loài chim hay đi kiếm ăn, di chuyển trên mặt đất như gà, trĩ.
Những người đi rừng còn thường xuyên bắt những tổ chim sáo, cu gáy, khước... mới nở đem về nuôi nhốt tại nhà và sau đó mang đi bán kiếm lời. Ngoài việc săn bắn trái phép các loài chim quý hiếm, nhiều đối tượng còn có hành vi phá rừng, chăn thả gia súc trong rừng khiến cuộc sống của các loài chim quý hiếm bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thực hiện dự án trên sẽ giúp các loài chim quý hiếm được bảo vệ kịp thời.
Theo ông Đỗ Ngọc Dương, thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã điều tra hiện trạng, thành phần, đặc điểm phân bố các loài chim trên 15 tuyến; thực hiện nghiên cứu, tổng hợp các đặc điểm sinh học, sinh thái, tập tính của nhiều loài chim; sử dụng phương pháp tổng hợp kết thừa tư liệu, nhận dạng, phỏng vấn người dân tại các thôn, bản ở vùng đệm khu bảo tồn về số lượng phân bố, hiện trạng của các loài chim quý hiếm, nguy cấp; ghi hình các loài chim đã xuất hiện tại các khu rừng Xuân Liên.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục xây dựng chương trình giám sát các loài chim quý hiếm; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng săn bắn, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài chim; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim tại 11 thôn, bản thuộc các xã quanh khu bảo tồn và tập hợp thông tin các loài chim dưới dạng băng, đĩa, tài liệu; đồng thời phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để quy hoạch, xây dựng các khu rừng thí nghiệm gắn với bảo tồn, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng các tuyến du lịch ngắm các loài chim trong khu bảo tồn, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên./.